Định danh cuộc gọi, tin nhắn: Có đủ sức ngăn nạn mạo danh?

[ad_1]

Nhiều bộ, ban, ngành gửi tin nhắn thông báo đến các thuê bao đều “định danh” - Ảnh: N.MINH

Nhiều bộ, ban, ngành gửi tin nhắn thông báo đến các thuê bao đều “định danh” – Ảnh: N.MINH

Kể từ 27-10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhắn tin và gọi đến người dân sẽ đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng. Việc này cần nhân rộng việc chống nạn giả mạo cơ quan nhà nước, doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng… để lừa đảo các thuê bao.

Lâu nay, một số bộ, ban, ngành trong nước và nhiều công ty cũng đã phần nào thực hiện việc “định danh” khi liên hệ với người dân, khách hàng. Như nhà mạng tôi sử dụng lâu nay khi họ liên hệ bằng tin nhắn hay gọi điện có hiển thị rõ ràng là “Tổng đài chăm sóc khách hàng”.

Các ngân hàng cũng hiển thị tên ngân hàng khi gửi tin nhắn liên hệ với khách hàng. Thỉnh thoảng, các thuê bao vẫn nhận được thông báo cho biết gửi từ “Bộ công an” cảnh báo về các kiểu lừa đảo qua mạng hay cẩn thận phòng chống cháy nổ…

Tin nhắn từ “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đến thuê bao cũng hiển thị tên đơn vị để người dân nhận biết.

Chưa kể, tại các địa phương, tin nhắn thông báo từ các ban ngành trong tỉnh gửi đến người dân đều định danh như “Công an tỉnh”, “Ủy ban nhân dân tỉnh”, “Bảo hiểm xã hội tỉnh”… để người dân an tâm về uy tín cơ quan và độ tin cậy của thông tin.

Thế nhưng, tin nhắn và cuộc gọi mạo danh hoành hành và mạo danh cả cơ quan chức năng. Người dùng chủ động không nghe, gọi lại số lạ được cho là… một cách tốt để không bị làm phiền, không bị lừa đảo.

Nhưng đây chỉ là cách đối phó với tình trạng tin nhắn và cuộc gọi rác. Khách hàng đã chuẩn hóa thông tin thuê bao vẫn gặp rủi ro khi nhà mạng chưa thể đảm bảo an toàn dịch vụ họ cung cấp cho khách hàng!

Kẻ lừa đảo mạo danh nguy hiểm ở chỗ nắm được nhiều thông tin cá nhân của người nhận cuộc gọi. Từ đó họ đe nạt, thao túng tâm lý dẫn đến việc người nghe bị mất tiền. Sau vụ việc lừa đảo lại rất khó truy ra thủ phạm dù tìm thấy số điện thoại và số tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, sau các vụ lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng, mọi người cũng luôn được khuyến cáo để lưu ý: cơ quan chức năng, lực lượng công an cũng như các lực lượng tư pháp khi mời người dân làm việc thì bằng giấy mời, có trụ sở làm việc cụ thể, không bao giờ nhắn tin, điện thoại để mời. Đây là kiến thức vô cùng hiệu quả để tránh mọi bẫy bị lừa đảo mạo danh.

Cần cảnh giác cao hơn

Tôi không khỏi băn khoăn về hiệu quả cao của việc dùng “voice brandname” (hiển thị tên đơn vị gọi đến). Dịch vụ này được dân làm quảng cáo, kinh doanh gọi là “cuộc gọi thương hiệu” và đang được quảng cáo rất nhiều trên mạng.

Nhà mạng, nơi cung cấp dịch vụ, có thể lại có thêm nguồn thu từ dịch vụ “định danh thương hiệu” được triển khai nhưng có ngăn nổi sự lan tràn tin nhắn, cuộc gọi rác?

Cơ quan chức năng từng phát hiện việc trạm phát sóng giả gửi tin nhắn giả brandname (thương hiệu) của ngân hàng. Người dùng điện thoại có thể bị lừa đảo nếu không đọc kỹ tin nhắn. Đây cũng là cách lừa đảo tinh vi hơn, cần cảnh giác cao hơn.

Làm sao ngăn chặn hiệu quả các kiểu lừa đảo? Tăng cường tuyên truyền đến người dân về thủ đoạn và cách tránh bẫy lừa đảo mạo danh là việc cần.

Tuy nhiên, người dùng mong thấy các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn các kiểu lừa, truy tìm được để xử phạt thích đáng những kẻ lợi dụng công nghệ để lừa đảo người dùng. Đây mới là điều cần quyết liệt làm nhằm dập tắt nạn mạo danh để lừa đảo qua điện thoại.

[ad_2]
Source link