[ad_1]
Sáng 11-7, trả lời Tuổi Trẻ Online về nghi vấn Google xóa hoặc làm mờ hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, đại diện Google cho biết: “Google không làm mờ hoặc thay đổi hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi các đối tác thứ ba. Vấn đề liên quan đến hình ảnh đang hiển thị là do chất lượng ảnh kém”.
Sẽ đổi ảnh hiển thị rõ quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa
Đồng thời, đại diện Google cũng khẳng định: “Chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn”.
Trước đó, từ ngày 10-7, cộng đồng mạng Việt Nam phát hiện lá cờ Việt Nam được làm từ các mảnh gốm trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn đã biến mất trên hai ứng dụng của Google (Google Maps và Google Earth). Vụ việc khiến đông đảo người dùng bất ngờ và đặt nghi vấn Google đã cố tình xóa hình quốc kỳ Việt Nam.
Trong khi đó, bức ảnh được chụp năm 2020 cũng trên các ứng dụng nêu trên của Google vẫn thể hiện rất rõ hình ảnh quốc kỳ gốm Việt Nam đỏ thắm trên mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hình ảnh và bản đồ số cho rằng nghi vấn của cộng đồng mạng là “có cơ sở” bởi nếu so hình ảnh chụp năm 2020 và hình ảnh do cộng đồng mạng Việt Nam mới phát hiện, có thể thấy mái nhà có hình lá quốc kỳ Việt Nam đã bị làm trắng đi “một cách bất thường”.
Theo các chuyên gia, nếu là do chói nắng hoặc mây che thì vùng lóa màu do nắng hoặc vùng mây che sẽ rộng lớn hơn, chứ không chỉ riêng biệt mỗi mái nhà có lá quốc kỳ, trong khi màu ngói các mái nhà xung quanh đó vẫn hiển thị bình thường. Tất nhiên, không loại trừ các nguyên nhân kỹ thuật gây ra hình ảnh hiển thị như trên.
Tuổi Trẻ Online cũng đã gửi lại nghi vấn nêu trên của các chuyên gia và bạn đọc đến Google và chờ công ty công nghệ này hồi âm.
Theo tìm hiểu, hình ảnh bản đồ trên các dịch vụ nêu trên của Google do một bên thứ ba cung cấp.
Google “bóp méo” theo ý muốn của mình?
Theo báo Washington Post, sứ mệnh của Công ty Google là “sắp xếp thông tin của thế giới” nhưng Google cũng bóp méo theo ý muốn của mình. Tờ báo của Mỹ đưa ra nhận định này sau nhiều vụ việc Google can thiệp vào các bản đồ mà họ hiển thị với người dùng. Công ty ở Thung lũng Silicon này thay đổi các bản đồ dưới áp lực chính trị và những ý tưởng bất chợt khó hiểu của các giám đốc điều hành công nghệ.
Chẳng hạn từ Argentina cho tới Vương quốc Anh và Iran, các đường biên giới của thế giới trông khác nhau tùy thuộc vào vị trí của người dùng đang xem chúng. Đơn giản vì Google và các nhà lập bản đồ trực tuyến khác đã thay đổi chúng.
Ông Ethan Russell – giám đốc quản lý sản phẩm của Google Maps – giải thích rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là luôn cung cấp bản đồ toàn diện và chính xác nhất có thể dựa trên số liệu mặt đất. Chúng tôi giữ trung lập đối với vấn đề tại các khu vực và biên giới đang tranh chấp, đồng thời nỗ lực để hiển thị tranh chấp một cách khách quan trên bản đồ của chúng tôi bằng cách sử dụng đường biên giới màu xám nét đứt.
Ở những quốc gia nơi chúng tôi có phiên bản Google Maps địa phương, chúng tôi tuân thủ luật pháp địa phương khi hiển thị tên và đường biên giới”.
Và mặc dù bản đồ nhằm mục đích “mang lại trật tự” cho thế giới, nhưng việc ra quyết định về bản đồ của Công ty Google thường được giữ bí mật, ngay cả đối với một số người làm việc để định hình các bản đồ kỹ thuật số mỗi ngày, theo báo Washington Post.
Google thu thập hình ảnh như thế nào?
Người dùng có thể xem được cả một bộ ảnh lớn trong Google Earth, trong đó có ảnh vệ tinh, ảnh chụp từ trên không, ảnh 3D và chế độ xem đường phố (street view).
Google cho biết các hình ảnh này được thu thập từ các nhà cung cấp và các nền tảng qua thời gian. Các ảnh hiển thị không được ghi ở thời gian thực, nên người dùng sẽ không thấy các thay đổi trực tiếp.
Đối với các ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ trên không, những ảnh Google Earth này được máy ảnh trên vệ tinh và máy bay chụp lại, và mỗi hình ảnh được thu thập vào một ngày và giờ cụ thể.
Những hình ảnh đó có thể được sử dụng trong Google Earth dưới dạng một hình ảnh với ngày thu thập cụ thể, nhưng đôi khi được kết hợp thành một bộ ảnh được chụp trong nhiều ngày hoặc nhiều tháng.
Google nói rằng đôi khi cũng có thông tin hạn chế về bộ sưu tập ảnh hoặc thông tin ngày thu thập bị mất/không chính xác do lỗi của con người hoặc các vấn đề khác.
Source link