[ad_1]
Bas Uterwijk, một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Amsterdam (Hà Lan), đã sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra những bức ảnh cực kỳ sống động về các nhân vật hoặc các bức tượng lịch sử, trong đó có tượng Nữ thần Tự do, danh họa Vincent van Gogh, George Washington hay Nữ hoàng Elizabeth I…
Uterwijk tạo ra các bức ảnh nhờ phương pháp tổng hợp một loạt bức chân dung trên phần mềm học sâu. Phần mềm này có thể xác định chính xác các đặc điểm tổng thể trên khuôn mặt của nhân vật trong ảnh cũ hoặc của các bức tượng, đối chiếu với chất lượng ảnh gốc để tạo ra bức ảnh phục dựng mới.
Nghệ sĩ Uterwijk cho biết ông cố gắng điều hướng phần mềm cho ra những kết quả đáng tin cậy nhất. Đó là bởi phương pháp này không phó thác hoàn toàn vào công nghệ.
Chẳng hạn một số phiên bản ảnh phục chế được phần mềm ban đầu đưa ra chỉ ở chất lượng và độ chính xác trung bình. Sau mỗi phiên bản, Uterwijk cung cấp thêm cho máy tính những nhận xét và dữ liệu bổ sung, dựa vào các tài liệu mô tả về nhân vật đang cần được phục dựng ảnh.
Cách làm này giúp đảm bảo ảnh được tạo ra sẽ có được độ trùng khớp cao nhất với phiên bản người thật. “Đôi khi tôi cần một số thủ thuật và phương pháp bổ sung để đạt được kết quả mình muốn”, Uterwijk nói.
Một số tác phẩm của ông được đối chiếu từ hình người thật như tướng Napoléon Bonaparte và nhà tư tưởng Niccolò Machiavelli…
Những bức ảnh khác là những gương mặt hư cấu rất quen thuộc như tượng Nữ thần Tự do hay thiếu nữ trong tác phẩm Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with the Pearl Earring) của danh họa Johannes Vermeer.
Những bức chân dung của Uterwijk giữ tinh thần, hình dáng và biểu cảm của các dữ liệu gốc. Ông đã làm việc trên nhiều hình ảnh cùng một lúc, đôi khi hàng tháng trời với một bức ảnh, vừa để tìm tài liệu và chỉnh sửa ảnh.
“Tôi nghĩ tác phẩm của mình mang tính chất nghệ thuật hơn là tính chính xác về mặt khoa học hoặc lịch sử”, nghệ sĩ Uterwijk nói. Trên Instagram cá nhân, ông cũng giới thiệu nhiều “biến thể” trong quá trình tạo ra tác phẩm.
Cho đến nay ông đã tạo ra hơn 50 bức ảnh như thế này.
Hướng ứng dụng AI phục chế hình ảnh sắp tới của Uterwijk là thay đổi độ tuổi của nhân vật.
Chẳng hạn với cô bé Anne Frank nổi tiếng, người qua đời ở tuổi 15 để lại cuốn nhật ký xúc động về sự trốn chạy khỏi tội ác của Đức Quốc xã, Uterwijk sẽ ứng dụng các thủ thuật của AI để mô phỏng hình ảnh của cô giả sử cô vẫn còn sống đến 30, 40 tuổi.
Theo Uterwijk, nhờ có AI, công việc phục chế hình ảnh đạt được những bước tiến đáng kể. Từ đó, con người có thể có nhiều cái nhìn và hiểu biết quan trọng về quá khứ, lịch sử.
Source link