Mỹ và cuộc đua quản lý trí tuệ nhân tạo

[ad_1]

Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp các lãnh đạo công nghệ Mỹ hồi tháng 7 để thảo luận về việc quản lý AI - Ảnh: New York Times

Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp các lãnh đạo công nghệ Mỹ hồi tháng 7 để thảo luận về việc quản lý AI – Ảnh: New York Times

Ngày 30-10, ông Biden ký sắc lệnh hành pháp đầy tham vọng đã nêu nhằm đưa Mỹ “dẫn đầu” thế giới trong nỗ lực quản lý những rủi ro từ AI.

Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Bruce Reed ca ngợi sắc lệnh là “hành động mạnh mẽ nhất mà bất kỳ chính phủ nào trên thế giới từng thực hiện đối với sự an toàn, an ninh và niềm tin về AI”.

Đảm bảo AI đáng tin cậy

Sắc lệnh này dựa trên Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) có từ thời Chiến tranh lạnh, vốn cho phép chính quyền liên bang có sự kiểm soát nhất định với các công ty khi an ninh quốc gia bị đe dọa. “AI ở quanh chúng ta. Để hiện thực hóa triển vọng của AI và tránh rủi ro, chúng ta cần quản lý công nghệ này”, ông Biden nói.

Nhà Trắng cho biết sắc lệnh “mang tính bước ngoặt” này yêu cầu các cơ quan liên bang thiết lập những tiêu chuẩn an toàn mới cho AI. Theo đó, sắc lệnh yêu cầu Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ đặt ra “các tiêu chuẩn nghiêm ngặt” để thử nghiệm AI trước khi ra mắt. 

Bộ Thương mại Mỹ sẽ xây dựng các hướng dẫn để xác định nội dung do AI tạo ra, trong khi các cơ quan tài trợ cho “những dự án khoa học đời sống” phải có những tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo AI không thể tạo ra mối đe dọa sinh học.

Sắc lệnh cũng yêu cầu các nhà phát triển chia sẻ kết quả kiểm tra độ an toàn cũng như những thông tin quan trọng khác về AI với Chính phủ Mỹ.

Theo Hãng tin AP, sắc lệnh trên được ban hành nhằm cân bằng giữa nhu cầu của các hãng công nghệ tiên tiến với an ninh quốc gia và quyền lợi người dùng. Theo đó quản lý cách phát triển AI để các công ty có thể thu lợi mà không gây nguy hiểm cho công chúng.

Sắc lệnh này là bước đầu tiên đảm bảo cho AI có thể trở nên đáng tin cậy và hữu ích, thay vì lừa bịp và phá hoại, tạo ra “hàng rào an toàn” từ sớm và sau đó gia cố bằng luật cũng như các thỏa thuận toàn cầu. Ông Biden cũng đang kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật bảo mật dữ liệu và Bộ Tư pháp giải quyết “sự phân biệt đối xử về mặt thuật toán”.

Cuộc đua với Trung Quốc và EU

Nước Mỹ, đặc biệt khu vực bờ Tây, là nơi có nhiều nhà phát triển AI hàng đầu, trong đó có các gã khổng lồ công nghệ như Google, Meta, Microsoft, và các start-up tập trung vào AI như OpenAI (nhà phát triển công cụ ChatGPT).

Những lo ngại về rủi ro của AI đã tăng lên nhiều kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái. Công cụ này đã khiến các cơ quan quản lý và quan chức chính phủ trên khắp thế giới bất ngờ.

Theo tạp chí Nikkei Asia, Mỹ hiện đang trong cuộc đua với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về quản lý AI. Năm nay Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật AI và đạo luật này đang chờ các nước thành viên EU phê chuẩn. Bộ quy định toàn diện của EU sẽ bắt các ứng dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất phải chịu những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Trung Quốc, đối thủ AI của Mỹ, cũng đã đưa ra một số quy định. Trong năm nay, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ban hành các biện pháp hành chính tạm thời đối với dịch vụ AI tạo sinh, đóng vai trò hướng dẫn về cách quản lý công nghệ này trong lúc chờ đợi một bộ luật chính thức về AI mà nước này đang xây dựng. Cách tiếp cận nhanh chóng đó của Trung Quốc cũng tăng thêm áp lực cho Mỹ.

Đầu tuần này, các quan chức nhóm G7 cũng đã nhất trí về một bộ nguyên tắc an toàn AI và quy tắc ứng xử tự nguyện dành cho các nhà phát triển AI.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn đang trong giai đoạn đầu tranh luận về các biện pháp quản lý công nghệ này. Đặt trong bối cảnh hiện nay, bà Alexandra Reeve Givens, giám đốc điều hành Trung tâm Dân chủ và công nghệ (CDT) ở Mỹ, cho rằng chính quyền ông Biden đang “tăng cường sử dụng các đòn bẩy mà họ có thể kiểm soát”, cụ thể là ban hành các hướng dẫn và tiêu chuẩn để định hình hành vi của khu vực tư nhân.

“Chúng ta thấy rằng EU, Mỹ, Trung Quốc và các chính phủ khác đều quan tâm đến sự an toàn của AI, cũng như muốn biết thêm về các hệ thống AI. Bằng cách nào đó, chính phủ cần phải có một quy trình để thu thập thông tin về chúng, phân tích những thông tin đó và giải quyết các lo ngại”, nhà phân tích Yan Luo tại Công ty luật Covington & Burling (Mỹ) bình luận.

AI thật “lợi, hại”!

AI có khả năng đẩy nhanh các nghiên cứu về ung thư, xây dựng mô hình về tác động của biến đổi khí hậu, tăng sản lượng kinh tế, cải thiện các dịch vụ chính phủ và nhiều lợi ích khác. Nhưng AI cũng có thể bóp méo sự thật, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về xã hội và chủng tộc, đồng thời tạo thêm công cụ cho tội phạm sử dụng, theo Hãng tin AP.

[ad_2]
Source link