Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 nghìn tỷ VNĐ tiền vốn

[ad_1]

Trong vài tuần trở lại đây, những người đam mê các sản phẩm “made in Việt Nam” tiếc nuối khi không còn cơ hội trải nghiệm sản phẩm xe đạp in 3D của công ty Arevo Việt Nam.

Hai dự án sản xuất xe scooter và xe đạp hoàn toàn bằng sợi carbon của vợ chồng Sonny Vũ – Lê Diệp Kiều Trang là Scotsman All-Carbon Fiber Scooter và Superstrata Bike, gọi chung là dự án xe đạp Superstrata, đều đã bị dừng hoạt động, với những lý do liên quan tới chi phí nhập sợi carbon và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, có một phần không nhỏ người theo dõi thắc mắc về số tiền khổng lồ mà doanh nghiệp đã nhận thông qua hình thức gọi vốn; cụ thể số tiền là gần 7,2 triệu USD từ hình thức gọi vốn cộng đồng thông qua nền tảng Indiegogo và 25 triệu USD huy động được từ các nhà đầu tư. Và hơn hết, người ta thắc mắc về khả năng doanh nghiệp sẽ hoàn tiền lại cho những người đã góp vốn. 

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 1.

Mẫu xe đạp của dự án Superstrata.

Thoáng nhìn, có thể thấy đại đa số những người thắc mắc chưa hiểu rõ về hình thức gọi vốn cộng đồng vốn đã tồn tại từ lâu; trái phiếu chiến tranh dùng trong hai cuộc Thế chiến, hay hành động quyên góp tài chính giúp tác giả sách hoàn thành tác phẩm, đều là những ví dụ về hình thức gọi vốn cộng đồng xưa cũ. 

Tượng Nữ thần Tự do cũng từng suýt không được hoàn thiện nếu không có một chiến dịch gọi vốn được đăng tải trên tờ báo The World. Với số tiền quyên góp dao động từ 0,15 – 250 USD, đã có hơn 160.000 người bao gồm cả trẻ em đã giúp bức tượng thành hình.

Trong thời đại Internet, độ phủ của hình thức gọi vốn cộng đồng lên tới cấp toàn cầu. Theo báo cáo từ Cambridge Judge Business School, nội trong năm 2015, hình thức gọi vốn cộng đồng đã kêu gọi được hơn 34 tỷ USD. Trong danh sách những dự án gọi được nhiều vốn cộng đồng nhất lịch sử, cái tên Star Citizen vẫn thường xuyên được nhắc tới như một ví dụ về việc gọi vốn thành công của một dự án mãi chưa thành công.

Tính đến nay, thời gian gọi vốn của Star Citizen đã kéo dài 10 năm, gọi được hơn 500.000.000 USD

Được công bố lần đầu thông qua một trang web gọi vốn riêng hồi tháng 9/2012, rồi được đưa lên nền tảng Kickstarter nổi tiếng vào tháng 10/2012, Star Citizen nhanh chóng trở thành cái tên được nhắc tới nhiều nhất Internet.

Có hai lý do lớn khiến Star Citizen gây nên cơn sốt và lập tức gọi được số vốn 2 triệu USD vào thời điểm 10 năm về trước: đó là quy mô trò chơi và cái tên đứng đằng sau nó, Chris Roberts. Với tư cách là nhà phát triển game kỳ cựu với nhiều dự án danh tiếng, Chris Roberts lập tức thu hút được sự chú ý của giới game thủ cũng như các nhà đầu tư.

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 2.

Chris Roberts, bộ óc lỗi lạc đứng sau dự án Star Citizen.

Từng tạo được tiếng vang với những dự án như Wing Commander và Freelancer, Chris Roberts đã chứng minh được khả năng làm game của mình. Star Citizen được ông Roberts quảng bá là tổ hợp những gì tốt nhất từ hai tựa game trên và nhiều hơn thế: một bối cảnh vũ trụ, với một cốt truyện liên hành tinh, nhưng màn giao tranh không gian của các phi thuyền có người lái, và một nền kinh tế trong game cho phép game thủ trở thành thương gia ngân hà. 

Game thủ lập tức bị choáng ngợp trước quy mô trò chơi cũng như những lời hứa của Chris Roberts. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành trò chơi điện tử, Roberts hoàn toàn có thể thực hiện được những gì mình hứa hẹn. Để tạo thêm độ tín nhiệm cho dự án gọi vốn, Chris Roberts công bố những đoạn phim ghi lại quá trình phát triển game, video trải nghiệm cách hoạt động của tàu vũ trụ trong game, v.v…

Star Citizen được quảng cáo rằng sẽ có một nền kinh tế tự vận hành bởi một hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến, các hành tinh có cơ chế thời tiết riêng, có hệ thống du hành của riêng chúng, người chơi có thể thỏa sức khám phá, làm nhiệm vụ, tham gia vào các trận không chiến nảy lửa hay gia nhập những phi hành đoàn khổng lồ. 

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 3.

Chris Roberts trong một video quảng bá cho dự án Star Citizen.

Nhà phát triển Star Citizen hứa cứ mỗi mức tiền gọi vốn đạt được, game sẽ tích hợp thêm những tính năng, tuyến nội dung nhất định. Ví dụ, nếu gọi vốn được 6 triệu USD, Star Citizen sẽ chứa tổng cộng 100 hệ sao để khám phá, nhạc nền sẽ được thực hiện bởi một dàn nhạc giao hưởng, v.v…

Về cơ bản, Star Citizen sẽ là một vũ trụ ảo với vô vàn nội dung, có thể đem lại hàng chục ngàn giờ giải trí cho game thủ. Tất cả những lý do trên khiến người chơi quan tâm tới Star Citizen … tới mức quá đà. 

Tới cuối chiến dịch trên Kickstarter, nhóm phát triển đã gọi được số vốn 6.200.000 USD, gấp hơn 3 lần con số dự định 2 triệu USD. 

Khi số tiền nhà phát triển nhận được chạm ngưỡng 23 triệu USD vào tháng 10/2013, Chris Roberts đã … trao cơ hội hoàn thiện game cho cộng đồng khi tham khảo ý kiến cộng đồng: ông hỏi những người ủng hộ rằng Star Citizen nên được gọi vốn tiếp hay dừng lại. 

Bất ngờ thay, 88% số người tham gia trả lời đều muốn “bơm” thêm tiền cho dự án hiện đã đủ vốn sản xuất. Thế là quy mô Star Citizen tiếp tục tăng. Để rồi tính đến thời điểm năm 2023 này, Star Citizen vẫn tiếp tục gọi vốn bằng những gói mua tàu vũ trụ trong game. 

Đến giờ nhà phát triển Cloud Imperium Games vẫn chưa công bố ngày ra mắt chính thức, và hiện tổng số tiền gọi vốn đã vượt ngưỡng 500 triệu USD, tức là hơn 11.850.000.000.000 VNĐ.

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 4.

Chris Roberts chụp với người hâm mộ Star Citizen trong một sự kiện dành cho người đã góp vốn.

Đã nhiều lần, người ta đặt dấu hỏi liệu đây có phải một trò lừa đảo quy mô lớn hay không, thậm chí cư dân mạng còn đặt cho dự án một cái tên không mấy thân thương là … Scam Citizen. Nhưng thực chất, Star Citizen không phải một trò lừa đảo, chẳng qua quy mô của game đã quá lớn để có thể nhanh chóng ra mắt cộng đồng, và bộ não đứng đằng sau nó – Chris Roberts là một người cầu toàn.

Trong những bài phỏng vấn của Roberts, ông cho thấy mình trực tiếp tham gia vào hầu hết mọi quá trình sản xuất game. Các quyết định lớn đều phải thông qua Roberts, vậy nên tiến trình làm game mới chậm chạp đến vậy. Cũng không thể trách móc con người “lắm tài nhiều tật” này, khi Star Citizen là ước mơ cả đời của Chris Roberts.

Video do kênh YouTuber Berks đăng tải, cho thấy cảnh người chơi (Berks) giải cứu một thương gia suýt bị cướp không gian trấn lột đồ mới mua.

Những điểm tương đồng giữa hai dự án, Star Citizen và Superstrata

Nhìn tổng quan, hai dự án Star Citizen và Arevo có những điểm giống nhau. Cả hai đều là những sản phẩm giàu tiềm năng nên đã lập tức thu hút được một lượng lớn người ủng hộ, qua đó nhận về một số vốn cao hơn rất nhiều dự kiến. 

Khi mới ra mắt, Superstrata đã đạt được những thành tích ấn tượng. Ông Sonny Vũ cho biết, ban đầu, mục tiêu công khai là bán được sản phẩm ở dạng đặt trước với tổng trị giá 100.000 USD, nhưng chính thức thì mục tiêu là 3 triệu USD trong 60 ngày. Tuy nhiên, Superstrata đã đạt con số 3 triệu USD đó chỉ trong 13 ngày đầu tiên.

Superstrata đã thực hiện một chiến dịch gọi vốn trên Indiegogo vào năm 2022 với mục tiêu ban đầu là thu được 100.000 USD nhưng con số đã chạm tới ngưỡng gần 7,2 triệu USD. Ngoài ra, Superstrata còn huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 6.

Tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc xe đạp này.

Arevo dự kiến in 3D xe đạp bằng sợi carbon siêu nhẹ và siêu bền, lại còn được tùy chỉnh cho phù hợp với cơ thể từng khách hàng. Từng đó điểm cộng đã khiến những người đam mê vận động sẵn sàng hậu thuẫn dự án mới mẻ. 

Chưa hết, những cái tên đứng sau dự án Superstrata cũng rất có tiếng. Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) và Lê Diệp Kiều Trang là cặp vợ chồng nổi tiếng trong giới startup Việt Nam, cả hai đều tốt nghiệp từ đại học danh tiếng và đều từng xuất hiện trong những dự án lớn.

Danh tiếng của hai vợ chồng đã trực tiếp tạo nên màn gọi vốn thành công cho dự án Superstrata.

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 7.

Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ.

Tuy nhiên, số vốn khổng lồ mà hai vợ chồng Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang kêu gọi được không phải thước đo thành công cho cả dự án. Cũng tương đồng game Star Citizen, xe đạp của Arevo chưa hoàn thiện và chưa có mặt trên thị trường, nên không thể nhận xét mức độ thành công của sản phẩm.

Điểm khác biệt lớn của ai dự án nêu trên là đây: Star Citizen vẫn đang được phát triển với một ngày ra mắt chưa rõ, còn Superstrata đã chính thức dừng lại.

Hai mặt của một đồng tiền

Một bộ phận không nhỏ người quan sát chỉ nhìn vào số tiền lớn để đánh giá cả dự án. Việc gọi vốn để đầu tư vốn dĩ chứa đựng rủi ro, và tất cả những người móc hầu bao để đặt niềm tin vào sản phẩm đều đứng trước nguy cơ mất mát. 

Lại lấy ví dụ với Star Citizen. Trong chuỗi email gửi Cloud Imperium Games với nội dung đòi hoàn trả 3.000 USD đã góp vốn, một người đã phải … dọa đệ đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC), dọa đâm thư khiếu nại lên Trung tâm Tội ác Internet (IC3), thậm chí nhắc đến Tổng chưởng lý bang Los Angeles.

Nhà phát triển Star Citizen đã phải nhượng bộ. Sau này, nhân vật đòi được tiền hướng dẫn những người khác làm điều tương tự chỉ với hai bước đơn giản. Một, hãy nói chuyện đàng hoàng tử tế và hai, dựa vào tiền lệ pháp để đòi tiền. Sự kiện diễn ra năm 2016 lớn đến mức xuất hiện trên nhiều trang tin, và khi việc đơn giản như đòi hoàn tiền cũng đáng được đưa lên mặt báo, có lẽ chính sách của Cloud Imperium Games có vấn đề.

Nhìn ra bức tranh toàn cảnh, có thể thấy hình thức gọi vốn đám đông lợi hại khôn lường. Tận dụng sức phủ của Internet, một chiến dịch thành công có thể đem lại cho người gọi vốn hàng loạt các lợi ích khác bên cạnh nguồn tiền lớn có thể tới từ khắp nơi trên thế giới.

Vị thế cũng như danh tiếng của người đi gọi vốn có thể được đưa lên một tầm cao mới. Nền tảng số có thể giúp người gọi vốn và người góp vốn tương tác dễ dàng, thậm chí người góp vốn có thể trực tiếp ảnh hưởng tới quy trình sản xuất thông qua những lời góp ý mang tính xây dựng. 

Còn với người góp vốn, họ có thể mua sản phẩm với giá rẻ hơn khi nhà sản xuất đã không phải tốn nhiều chi phí đi tìm nhà đầu tư hay nghiên cứu thị trường. 

Mặt trái của hình thức gọi vốn cộng đồng, và bài học từ game Star Citizen hiện đã gọi được hơn 11 tỷ VNĐ tiền vốn - Ảnh 8.

Hình thức gọi vốn cộng đồng có thể đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nó cũng tồn tại những mặt trái nhất định.

Mặt khác, hoạt động gọi vốn cộng đồng ẩn chứa nhiều rủi ro. Một nhà đầu tư sẽ đứng trước nguy cơ mất uy tín nếu như không gọi được đủ số vốn, hay gọi được vốn nhưng lại không sản xuất được thành phẩm. Bên cạnh đó, hành vi đạo nhái sản phẩm cũng có thể khiến nhà đầu tư điêu đứng khi phải cạnh tranh với ý tưởng của chính mình.

Chưa hết, một dòng tiền vốn lớn và công khai như vậy chắc chắn sẽ thu hút những hoài nghi. Những người trong và ngoài công cuộc gọi vốn sẽ đều lo lắng về nguy cơ lừa đảo và chiếm đoạt quỹ, những hoài nghi này có thể ngăn chặn những đồng tiền vốn tiềm năng. Và sự do dự của đám đông có cơ sở, khi tính tới nguy cơ rửa tiền hiện hữu trong mỗi dự án gọi vốn cộng đồng.

Lời kết

Nhìn một cách tổng quan, hình thức gọi vốn cộng đồng có lịch sử lâu đời đã nhiều lần chứng minh khả năng thành công của mình. Tuy nhiên giống với hầu hết các khía cạnh khác trong cuộc sống, gọi vốn cộng đồng có hai mặt tốt, xấu; và giống với mọi kế hoạch đầu tư tài chính khác, gọi vốn cộng đồng chứa đựng rủi ro. 

Dù nhỏ tới đâu, mỗi một khoản góp vốn sẽ đẩy nhanh tốc độ gọi vốn và giúp sản phẩm tới ngày một gần thời điểm ra mắt chính thức. Có nhiều động lực thúc đẩy người góp vốn, như cảm giác hữu ích khi đóng góp cho thành công của dự án chung, hay đơn giản hơn là tìm kiếm lợi ích về mặt kinh tế. Miễn là hai phần thưởng – về mặt tinh thần và vật chất – này chưa mất đi, thì mô hình gọi vốn cộng đồng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.

Trong năm 2010, các trang web tổ chức gọi vốn cộng đồng đã giúp các công ty và cá nhân trên toàn thế giới gọi được số vốn lên tới 89 triệu USD. Con số này trong năm 2011 là 1,47 tỷ USD, và tăng lên 2,66 tỷ trong năm 2012. Theo dự báo của My Private Banking Research, hình thức gọi vốn cộng đồng sẽ chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2025. 

Hình thức gọi vốn cộng đồng và hai sản phẩm được nhắc tới trên đây khẳng định một sự thật bi hài: Xin nhiều tiền của một người vô cùng khó, nhưng đi xin mỗi người một ít tiền thì lại dễ đến bất ngờ.

[ad_2]
Source link