Làm gì để bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo?

[ad_1]

Hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng diễn ra tại khách sạn REX - Ảnh: HỮU HẠNH

Hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng diễn ra tại khách sạn REX – Ảnh: HỮU HẠNH

Theo đại diện lãnh đạo A05 thuộc Bộ Công an, dự báo các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm. Cùng với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tinh vi để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng.

Ngày 19-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng” tại khách sạn REX – TP.HCM, với sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyên gia về công nghệ cùng các ngân hàng thương mại và khoảng 50 cơ quan báo, đài của trung ương và TP.HCM.

Nội dung sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận tại buổi hội thảo là các giải pháp nhằm giúp người dân phòng ngừa, tránh bẫy lừa đảo của tội phạm công nghệ. Các chuyên gia cũng sẽ phân tích những thủ đoạn tinh vi, hình thức lừa đảo mới, phổ biến của tội phạm nhằm giúp người dân có thêm thông tin để tự bảo vệ mình.

Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến – Ảnh: HỮU HẠNH

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – nhận định thời gian gần đây báo Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều thông tin từ bạn đọc, phản ánh tình trạng các cuộc lừa đảo diễn ra, tập trung vào thanh toán trực tuyến. Trong đó có hình thức lừa đảo gọi điện giả danh cơ quan chức năng, gửi đường link giả danh cơ quan nhà nước, để lừa nạn nhân truy cập vào, từ đó dùng những thủ thuật và rút hết tiền trong tàikhoản ngân hàng của nạn nhân. 

Đáng chú ý, những tháng gần đây có thêm hình thức lừa đảo mới, kiểm soát quyền truy cập điện thoại của nhiều người. Thời gian tới, có thể sẽ thêm những cách lừa đảo khác. 

Toàn cảnh hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến - Ảnh: HỮU HẠNH

Toàn cảnh hội thảo Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến – Ảnh: HỮU HẠNH

Trước thực tế này, báo Tuổi Trẻ nhận thấy cần phải lên tiếng cảnh báo, do vậy quyết định tổ chức hội thảo ngày hôm nay. Hội thảo đi qua ba nội dung chính. Đầu tiên là cùng nhận diện rõ hơn thực trạng, hình thức, hành vi lừa đảo mới đang diễn biến như thế nào. 

Tiếp đến là các giải pháp, chính sách liên quan đến ngăn ngừa, phòng chống lừa đảo về thanh toán. Trong đó thảo luận việc khung khổ pháp lý đã hoàn chỉnh chưa, có chỗ nào còn trục trặc và cần điều chỉnh thêm. Cuối cùng là bàn về vai trò truyền thông để người dân hiểu và biết cách bảo vệ tài khoản của mình, nâng cao tinh thần cảnh giác. 

Để các cơ quan truyền thông làm tốt, thì cần rất nhiều sự hợp lực từ phía Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước. Bản thân các ngân hàng cũng truyền thông cho khách hàng biết trước rủi ro, ngăn chặn bị lừa đảo. “Báo Tuổi Trẻ và các cơ quan truyền thông luôn kiên định, đồng hành với Ngân hàng Nhà nước, bạn đọc, khách hàng, để ngăn chặn hình thức lừa đảo mới”, ông Toàn chia sẻ.

Hàng chục tỉ USD bị lừa đảo trực tuyến và vấn nạn toàn cầu

Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Lê Anh Dũng trình bày tham luận - Ảnh: HỮU HẠNH

Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Lê Anh Dũng trình bày tham luận – Ảnh: HỮU HẠNH

Thời gian qua lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh trên thế giới. FBI chia lừa đảo trực tuyến 27 loại tội phạm khác nhau, gây tổn thất hơn 10,3 tỉ đô la trong năm 2022.

Theo ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính.

Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.

Tại Úc, lừa đảo trực tuyến gây tổn tới 3 tỉ đô la Úc (AUD), tổn thất ngày càng lớn qua từng năm, trung bình 19.600 AUD/ vụ

Kênh lừa đảo chủ yếu: tin nhắn SMS (33%), tiếp theo là điện thoại (29%), email (22%), Internet (6%), mạng xã (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm trên 25% số báo cáo và thiệt hại), và nhóm 55-64 tuổi.

Trên thực tế, số vụ trình báo chỉ chiếm rất ít so với số vụ thực tế. Tội phạm nhắn vào tâm lý muốn lấy lại tiền thì để tiếp tục lừa. Có trường hợp bị lừa 40 lần mới biết dính bẫy lừa đảo.

Tại Việt Nam các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gồm: đối tượng lừa đảo giả danh công an, Viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm. Chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra.

Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ chuyển sim 3G thành 4G miễn phí hoặc thông báo khóa sim vì chưa chuẩn hóa thuê bao.

Nạn nhân làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại để nhận mã OTP kết hợp với thông tin định danh đã thu thập được của khách hàng để kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử, có quyền truy cập thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tiền của người dùng.

Một hình thức lừa đảo mới xảy ra gần đây là kẻ gian giả mạo công chức, viên chức, cơ quan nhà nước hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo (VssID, VNeID, eTax Mobile,…) để chiếm quyền điều khiển điện thoại, thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…

Nguyên nhân lừa đảo trực tuyến từ góc độ chủ tài khoản ngân hàng có thể chia làm hai loại. Một là gian lận thanh toán do bị đánh cắp thông tin của chủ tài khoản. Tội phạm mạng lấy được thông tin đăng nhập của khách hàng hoặc đã lén lấy thông tin xác thực khách hàng và giành được quyền truy cập tài khoản. 

Khi đã truy cập được vào tài khoản khách hàng, kẻ lừa đảo có thể thiết lập và thực hiện thanh toán mà khách hàng không hề hay biết. Hai là gian lận thanh toán được phép của chủ tài khoản. Tội phạm giăng bẫy, đưa ra các chiêu trò đánh vào yếu tố tâm lý khiến nạn nhân chủ động thực hiện giao dịch thanh toán.

Khả năng chuyển tiền liên ngân hàng từ 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, tình trạng lừa đảo xảy ra gây tổn hại rất lớn đến khách hàng và thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý và ngân hàng, làm suy giảm niềm tin của khách hàng, tổn hại danh tiếng cho NH và NH tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động phòng chống.

Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trog đó có vai trò của NH và người dùng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Làm việc với Bộ Thông tin truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động. 

Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Qua đó cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.

[ad_2]
Source link