[ad_1]
Chiêu trò mới
Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng là đăng tin trên các hội nhóm facebook, zalo… với nội dung Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, công ty tri ân khách hàng, tặng điện thoại iPhone 13 Pro max và iPhone 14 Pro max cho khách hàng may mắn và nhanh tay trên toàn quốc.
Khi có khách hàng quan tâm, các đối tượng sử dụng kịch bản có sẵn, đóng vai là nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên vận chuyển, cán bộ thuế… để nhắn tin liên hệ, trao đổi và hướng dẫn khách hàng thực hiện.
Sau đó, các đối tượng đưa ra nhiều lí do như nộp tiền phí xuất kho, tiền phí bảo hành, tiền thuế cá nhân,… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt. Nếu không không chuyển tiền, các đối tượng sẽ đe dọa khách đặt hàng nhưng không nhận và báo Công an truy tố. Nhiều người đã mắc bẫy mà chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo người dân phải hết sức lưu ý, cảnh giác với các chiêu trò chuyển tiền để được nhận hàng, quà, tiền trúng thưởng. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần trình báo với cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân cần chủ động cảnh giác
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Bùi Xuân Lai (Công ty Luật TNHH hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết, hành vi lừa đảo này tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản nếu đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt;… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Và khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được áp dụng trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bị lừa đảo, cần trình báo ngay với Cơ quan công an để nhanh chóng nắm bắt thông tin, xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật và có thông báo, cảnh báo tới người dân về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo mới”, Luật sư Lai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Luật sư, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi người dân cũng cần chia sẻ cho gia đình, bạn bè, người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh cho họ.
Source link