[ad_1]
New York đã chi gần 1 tỷ USD trong thập kỷ qua cho kế hoạch đầy tham vọng của Elon Musk: Nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất Tây bán cầu.
“Quá tốt rồi”, cựu Thống đốc New York Andrew Cuomo phát biểu trong buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy vào năm 2015.
Một cơ sở rộng hơn 100.000 mét vuông sau đó được xây dựng. Tổng giá trị các thiết bị nhà máy này đã đầu tư lên tới 240 triệu USD. Musk khẳng định vào năm 2020, nhà máy tại Buffalo mỗi tuần sẽ sản xuất một lượng tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ đủ để lắp đặt cho 1.000 mái nhà.
Tuy nhiên, 8 năm sau giấc mơ mà New York theo đuổi, đơn vị sản xuất này chỉ đạt trung bình 21 lượt lắp đặt mỗi tuần, theo các nhà phân tích năng lượng tại Wood Mackenzie. Những nhà cung cấp có tiếng được dự đoán sẽ đổ xô đến trung tâm sản xuất hiện đại gần như không bao giờ xuất hiện, trong khi hầu hết các thiết bị sản xuất tấm pin mặt trời được bán thanh lý hoặc vứt bỏ.
Một báo cáo cho thấy chính quyền tiểu bang chỉ nhận về 0,54 USD lợi nhuận trên mỗi 1 USD đầu tư cho nhà máy. Các kiểm toán viên đã ghi lại gần như toàn bộ các khoản đầu tư của New York.
“Đó là một thỏa thuận tồi”, Thượng nghị sĩ tiểu bang Sean Ryan nói, đồng thời cho biết vẫn có người lên tiếng bênh vực dự án này.
“Dù gì Tesla cũng đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương, phù hợp với quá trình phục hồi kinh tế chung của khu vực”, Jason Conwall, phát ngôn viên đại diện cho tổ chức phụ trách giám sát dự án, cho biết.
Trong nhiều năm qua, tiểu bang đã đồng ý sửa đổi các điều khoản trợ cấp 12 lần, trong đó có việc giảm số lượng việc làm được tạo ra nhờ nhà máy. Hồi tháng 2, Tesla cho biết đã tạo ra khoảng 1.700 việc làm, tức đủ để đáp ứng các nghĩa vụ trong điều khoản và tránh bị phạt 41 triệu USD/năm.
New York mạnh tay chi 1 tỷ USD cho kế hoạch của Musk như một phần của kế hoạch thu hút các siêu dự án công nghiệp. Chính phủ muốn đẩy mạnh ngành sản xuất, đặc biệt là đối với các nhà máy bán dẫn và pin xe điện. Ước tính, hàng tỷ USD viện trợ và ưu đãi thuế đã được giới chức địa phương đưa ra để khuyến khích sản xuất.
Tại Wisconsin, nhà máy của Foxconn Đài Loan đã nhận được khoảng 3 tỷ USD trợ cấp của chính phủ. “Trụ sở thứ hai” của Amazon.com cũng nằm trong danh sách nhận trợ cấp, song phần lớn dự án đang bị đình trệ.
4 tỷ USD là số tiền mà Tesla và SpaceX nhận được kể từ năm 2006. Chính quyền Nevada đã đưa ra rất nhiều những ưu đãi tài chính, bao gồm 330 triệu USD thuế cắt giảm trong năm nay để giúp Tesla xây dựng và mở rộng khu phức hợp nhà máy bên ngoài Reno.
Ở Buffalo, tiểu bang chi tiền mặt để xây dựng nhà máy thay vì cung cấp các khoản giảm thuế kéo dài trong nhiều năm. Theo E.J. McMahon, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách công Empire, “đây có thể được coi là cú lừa phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Buffalo, khu vực từng là động lực sản xuất, giờ đây chứng kiến sự đình trệ sau khi các công ty công nghiệp dần tiến về phía nam. Những nỗ lực đổi mới trước đây phần lớn đã thất bại.
Trước đó, Musk kỳ vọng nhà máy ở Buffalo sẽ tạo ra một loại pin năng lượng mặt trời mới. “Nó không chỉ là thứ được lắp đặt trên mái nhà. Nó là thứ có thể thay thế mái nhà”, Musk nói. “Tôi khá hào hứng với những gì chúng tôi đang làm ở Buffalo”.
Vào tháng 4/2017, Thống đốc Cuomo bảo đảm thêm 500 triệu USD cho dự án, trong đó, khoảng một nửa được đầu tư vào Tesla. Điều này nâng tổng vốn đầu tư của New York vào nhà máy lên 959 triệu USD.
Musk thừa nhận trong một phát biểu hồi tháng 6/2019 rằng bản thân đã không thể tập trung vào năng lượng mặt trời vì áp lực sản xuất hàng loạt mẫu Model 3.
“Chúng ta sẽ sớm có thể tập trung vào năng lượng mặt trời. Bạn sẽ thấy một sự thay đổi đáng kể”, Musk lạc quan. “Chúng ta cần phải khiến những tấm pin năng lượng mặt trời hấp dẫn như xe điện. Mục đích là sản xuất ra loại mái ngói năng lượng mặt trời đẹp mắt hơn cả mái bình thường, tạo ra điện, bền hơn và có chi phí lắp đặt thấp hơn”.
Sau lần đầu tiên công bố về tấm pin năng lượng mặt trời, Musk đưa ra viễn cảnh về một ngôi nhà trong mơ với chiếc Tesla Model 3, pin Powerpack lithium-ion trên tường và mái nhà bằng ngói năng lượng mới. Ông cũng vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng liên quan đến việc sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà, các nhà máy điện cỡ nhỏ và cơ sở hạ tầng điện nội địa hóa. Mái nhà lắp pin năng lượng mặt trời có thể là bước đầu tiên hướng tới sự thay đổi lớn trong sản xuất năng lượng.
Tuy nhiên, thực tế khác xa những gì Musk tưởng tượng. Theo Will Hance, một nhà phân tích dữ liệu 24 tuổi, người từng làm việc tại nhà máy Buffalo, Elon Musk chỉ đơn giản cần “công việc” để tránh phải trả tiền phạt liên quan đến cam kết trong thỏa thuận.
Nhận thấy thực trạng tại Buffalo, nhiều chính trị gia đã chỉ trích dự án. Thượng nghị sĩ bang New York Liz Krueger cho biết chính quyền lẽ ra nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhân lực thay vì “chi hàng tỷ USD tiền thuế để trở thành những nhà đầu tư thiên thần”.
Thượng nghị sĩ Ryan trước đó cũng đến thăm nhà máy. Ông đánh giá những gì đang diễn ra không giống hoạt động sản xuất quy mô lớn.
“Chúng ta vẫn hy vọng Tesla thực sự đầu tư vào nhà máy này, tạo ra việc làm và động lực kinh tế như hứa hẹn. Mọi người chưa thừa nhận thất bại của Tesla vì vẫn muốn hy vọng đó trở thành hiện thực”, ông Ryan nói.
Theo: WSJ, Bloomberg
Source link