[ad_1]
Tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số” do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp cùng Thủ Đô Multimedia tổ chức ngày 26-9, các đại biểu đã nhiều lần nhắc tới trường hợp web bóng đá lậu Xôi Lạc TV như một ví dụ điển hình cho thấy công cuộc chống vi phạm bản quyền trên môi trường số hiện nay quá gian nan, chưa đạt được như kỳ vọng.
Chặn tên miền web lậu: chặn cái này mọc ngay cái khác sau vài phút
Tại buổi họp báo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết trong năm 2023 cục này cùng Cục An toàn thông tin đã chặn tổng cộng 162 trang web vi phạm.
Nếu tính cả các trang web thay đổi tên miền thì rất nhiều, lên tới gần nghìn trang. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Bởi lẽ, ngay khi bị chặn tên miền, các kênh này liền đổi địa chỉ IP, đổi tên miền nhanh chóng, chỉ mất 5 – 10 phút.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dẫn ví dụ web lậu vi phạm bản quyền trắng trợn nhất là Xôi Lạc TV, với 20 tên miền khác nhau. Khi cơ quan chức năng chặn tên miền này thì rất nhanh sau đó lại có tên miền mới xuất hiện thay thế.
Bằng cách này, Xôi Lạc TV vẫn tồn tại suốt gần 5 năm qua.
Tại tọa đàm về chống vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày 26-9, bà Phạm Thanh Thủy – phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình số vệ tinh K+ – cho biết doanh nghiệp này không thể đề nghị xử lý hành chính được, cũng không thể khởi kiện dân sự, chỉ còn giải pháp là hình sự hóa, nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Hiện tại thì chỉ mới có giải pháp chặn tên miền chưa hiệu quả.
“Chúng tôi cứ chiến đấu, cứ chặn, có domain mới chúng tôi lại chặn và chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước”, bà Thủy nói.
Cũng tại tọa đàm, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam (VDCC – thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết để giải pháp chặn tên miền đạt hiệu quả tốt hơn, sắp tới cơ quan chức năng sẽ thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi bị chặn.
Ngoài ra sẽ phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực; cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập.
Riêng với trường hợp Xôi Lạc TV, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết cục này đang phối hợp với cơ quan công an và các doanh nghiệp để kiên quyết đấu tranh. Sắp tới việc xử lý sẽ không chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính mà phải có những mức xử lý cao hơn.
Hy vọng ở AI?
Tọa đàm đã được lắng nghe nhiều ý kiến về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung số nói chung, cũng như trong ngành âm nhạc, điện ảnh và truyền hình số nói riêng.
Các đại biểu từ doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng đều chia sẻ những khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến bản quyền. Các giải pháp từ hành chính như chặn tên miền, đến kiện ra tòa đều hoặc chưa hiệu quả hoặc rất vất vả.
Đại diện Thủ Đô Multimedia cho rằng trong khi các giải pháp hành chính, kiện ra tòa chưa mang lại hiệu quả cao thì các doanh nghiệp nên chủ động phòng chống vi phạm bản quyền bằng các giải pháp kỹ thuật.
Đơn vị này đã chia sẻ giải pháp Sigma Multi-DRM tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo vệ bản quyền (tên thương mại Sigma Active Observer – SAO) giúp các nhà sở hữu nội dung, các nền tảng phát hành nội dung trực tuyến có thể bảo vệ được bản quyền các sản phẩm nội dung trên Internet.
Source link