Bước tiến kết nối não người với máy tính

[ad_1]

Telepathy bao gồm một con chip máy tính nhỏ được gắn vào những sợi chỉ linh hoạt nhỏ xíu và được một con robot có chức năng tương tự máy khâu khâu vào não người - Đồ họa, ảnh: SINGULARITY HUB, MASHABLE ME

Telepathy bao gồm một con chip máy tính nhỏ được gắn vào những sợi chỉ linh hoạt nhỏ xíu và được một con robot có chức năng tương tự máy khâu khâu vào não người – Đồ họa, ảnh: SINGULARITY HUB, MASHABLE ME

Thông báo được đăng tải trên mạng xã hội X (Twitter), tỉ phú Elon Musk cho biết người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép con chip tên Telepathy (tạm dịch: Thần giao cách cảm) vào ngày 28-1 vừa qua đang phục hồi tốt.

Hỗ trợ người liệt, người mù

Tỉ phú Musk tiết lộ toàn bộ quá trình cấy chip vào não người chỉ mất 30 phút, không cần gây mê toàn thân và bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày.

“Kết quả ban đầu cho thấy khả năng tăng đột biến các neuron thần kinh đầy hứa hẹn” – ông Musk, người sáng lập Neuralink, thông báo trên mạng xã hội X.

Đài CNN nhận định thông báo của ông Musk có thể đánh dấu một cột mốc quan trọng cho nỗ lực của Công ty Neuralink nhằm đưa công nghệ có khả năng thay đổi cuộc sống con người ra khỏi phòng thí nghiệm và đi vào thế giới thực.

Neuralink được đăng ký hoạt động tại tiểu bang California với tư cách là một công ty nghiên cứu y tế vào tháng 7-2016 và tỉ phú Elon Musk là nhà tài trợ chính cho công ty. Neuralink đã nỗ lực sử dụng thiết bị cấy ghép để kết nối bộ não con người với máy tính trong suốt nửa thập niên qua.

Tháng 3-2023, Hãng tin Reuters đưa tin tỉ phú Musk tuyên bố sản phẩm của Công ty Neuralink sẽ giúp người liệt đi lại, người mù nhìn thấy và cuối cùng biến con người thành người máy.

Ít nhất bốn lần kể từ năm 2019, ông Elon Musk dự đoán Neuralink sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm cấy ghép chip vào não con người – bước tiến đột phá mang tính cách mạng để điều trị các bệnh khó chữa như chứng bại liệt và mù lòa.

Mặc dù trước đó hồi năm 2016, công ty này đã không xin được giấy phép thử nghiệm từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Năm 2022, FDA một lần nữa từ chối cấp phép thử nghiệm cho Neuralink với lý do lo ngại an toàn đến từ phần pin lithium của con chip.

Một năm sau khi bị FDA từ chối cấp phép, Neuralink đã nhanh chóng giải quyết được mối lo ngại mà FDA đặt ra. Tháng 5-2023, Neuralink đã nhận được sự chấp thuận từ FDA đối với các thử nghiệm lâm sàng trên người.

Vài tháng sau đó, công ty này bắt đầu tuyển tình nguyện viên, bao gồm những bệnh nhân bị liệt tứ chi do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (hội chứng ALS), cho thử nghiệm cấy chip vào não.

Không chỉ hỗ trợ người liệt, người mù, sản phẩm của Neuralink còn được trông đợi giúp con người điều khiển các thiết bị điện tử bằng suy nghĩ.

“Việc cung cấp sản phẩm này cho phép người dùng có quyền kiểm soát các thiết bị điện tử như điện thoại hoặc máy tính của họ chỉ bằng suy nghĩ”, tỉ phú Musk cho biết trong một thông báo hôm 30-1.

Tranh cãi

Tuy nhiên, những lần thử nghiệm trên động vật trước đó của Neuralink đã gây ra mối lo ngại lớn về độ an toàn của Neuralink.

Theo báo Daily Mail, các thử nghiệm ban đầu của Neuralink đã giết chết khoảng 1.500 con vật thí nghiệm như khỉ và lợn trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, khiến không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về độ an toàn của thiết bị cấy ghép này.

Trả lời tờ báo Anh, tiến sĩ Dean Burnett, cộng tác viên nghiên cứu danh dự tại Đại học Cardiff (Xứ Wales, Anh), gọi các thử nghiệm trên con người là “đáng lo ngại và đáng báo động”.

“Vấn đề là ông ấy vẫn có một đội quân những người ủng hộ khổng lồ có thể tình nguyện làm những việc như thế này và tôi nghĩ điều đó khá là nguy hiểm khi ghép vật gì đó vào cơ thể con người“, tiến sĩ này nói thêm.

Vị này cũng nói rằng tình nguyện viên đầu tiên có thể an toàn nhưng sau khi mọi người nhận thấy phương pháp cấy chip này hoạt động tốt và cho phép triển khai rộng rãi, họ có thể mắc sai sót vì không phải mọi quy trình đều được quan sát tỉ mỉ như nhau.

Ngoài ra, một vấn đề khác phát sinh trong quá trình thử nghiệm chính là tính nhân đạo khi Neuralink liên tục vướng phải các cáo buộc ngược đãi động vật thí nghiệm.

Công ty này thừa nhận một số con khỉ thí nghiệm đã chết trong các cuộc thử nghiệm nhưng bác bỏ các cáo buộc ngược đãi động vật.

Giáo sư Marcello Lenca, một nhà khoa học về nhận thức và đạo đức sinh học tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), nhận định các quy tắc hiện tại về việc sử dụng động vật trong thí nghiệm là chưa đủ.

“Chúng tôi cần những loại thử nghiệm này để cải thiện cuộc sống của người dân, nhưng mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là chưa tìm ra được các quy tắc chung để tiến hành những thử nghiệm này một cách có đạo đức”, ông Lenca bày tỏ.

Cấy chip vào não người có từ năm 2004

Trước Neuralink, nhân loại đã từng chứng kiến một thử nghiệm cấy chip vào não người. Năm 2004, hệ thống BrainGate do Đại học Brown (đảo Rhode, Mỹ) phát triển đã thử nghiệm cấy chip vào người và thu được kết quả đầy hứa hẹn.

Một đánh giá về sức khỏe của bệnh nhân tham gia thí nghiệm của BrainGate được công bố năm 2021 cho thấy việc cấy ghép không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào về mặt sức khỏe. Hơn nữa, con chip trên cũng không cần phải tháo bỏ vì bất kỳ lý do sức khỏe nào.

Ông Andrew Jackson, giáo sư ngành giao diện thần kinh tại Đại học Newcastle (tiểu bang New South Wales, Úc), nói với tờ Daily Mail rằng thiết bị của Neuralink thậm chí có thể an toàn hơn “người tiền nhiệm” của BrainGate ở một số khía cạnh.

Vị chuyên gia này nói Neuralink đã chứng minh công nghệ này đủ an toàn để đưa vào cơ thể con người, dựa trên các nghiên cứu trước đây và các thử nghiệm trên động vật, qua đó đã thuyết phục được FDA.

[ad_2]
Source link