AI thành xu hướng đầu tư toàn cầu

[ad_1]

Tỉ phú Zuckerberg vẫy tay chào trước khi vào Văn phòng thủ tướng Nhật tại Tokyo vào hôm 27-2  - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Tỉ phú Zuckerberg vẫy tay chào trước khi vào Văn phòng thủ tướng Nhật tại Tokyo vào hôm 27-2 – Ảnh: Yomiuri Shimbun

Thành công của Nvidia hay cơn sốt ChatGPT của OpenAI đang là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tăng tốc đầu tư vào các công nghệ liên quan AI để không bị “tụt hậu”.

Mark Zuckerberg đến châu Á

Theo báo Japan Times, Giám đốc điều hành (CEO) Meta Mark Zuckerberg trong tuần này đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Hai bên thảo luận về các vấn đề liên quan đến AI. “Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện hiệu quả về AI và tương lai của công nghệ, tôi rất hào hứng với những gì đang diễn ra tại Nhật Bản”, tỉ phú Zuckerberg trả lời báo giới sau cuộc gặp ông Kishida.

Sau Nhật Bản, ông chủ Facebook cũng sẽ đến Hàn Quốc và Ấn Độ trong chuyến công tác nhiều ngày tại châu Á. Theo Hãng tin Bloomberg, nhân dịp dự đám cưới của cậu con trai út Anant Ambani của tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, CEO Meta cũng muốn tranh thủ đào sâu thêm các hợp tác liên quan AI, đồng thời củng cố quan hệ với các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ trong khu vực.

Theo Hãng tin Yonhap, trong ngày 28-2, tỉ phú Zuckerberg đã gặp CEO Cho Joo Wan của Công ty LG Electronics tại Hàn Quốc. Họ đã cùng bàn bạc về việc tăng cường hợp tác giữa hai bên cho công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR) – một thuật ngữ chung đề cập đến các công nghệ nhập vai, bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR).

Ngoài ông Cho, CEO Meta còn gặp lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác của Hàn Quốc. Nguồn tin trong ngành tiết lộ ông Zuckerberg có thể sẽ gặp Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong nhằm thảo luận về việc hợp tác trong lĩnh vực chip nhớ AI và công nghệ XR.

Trước đó, Meta công bố một số kế hoạch mới nhằm xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) của riêng họ và sẽ phát triển một chip nhớ AI mới. Trong khi đó, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới Samsung Electronics đã thành lập một đơn vị mới để nghiên cứu và phát triển hệ thống AGI ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

Hồi tháng 10-2023, ông Zuckerberg khẳng định AI sẽ là “lĩnh vực đầu tư lớn nhất của chúng tôi trong năm 2024, cả về phương diện kỹ thuật lẫn các nguồn lực máy tính”.

Ngành nào cũng cần AI

Đầu tuần qua, các hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon, Nvidia, Arm, Samsung, T-Mobile, Nokia… đã khởi động liên minh AI-RAN – liên minh tập trung vào nghiên cứu và phát triển, tích hợp AI vào công nghệ mạng di động.

Theo đó, liên minh AI-RAN đặt mục tiêu “nâng cao hiệu quả mạng di động, giảm mức điện năng tiêu thụ, đồng thời nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng hiện có”, nhằm mở ra “cơ hội kinh tế mới cho các công ty viễn thông ứng dụng AI với động lực của 5G và 6G”.

Ngày 28-2, báo Financial Times (FT) đưa tin Apple đã dừng dự án phát triển xe điện để tập trung nguồn lực cho AGI. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư của Apple đang chờ đợi khả năng công ty này sẽ tích hợp những tính năng mới vào sản phẩm điện thoại thông minh của hãng nhằm bắt kịp các đối thủ như Samsung và Google.

Cũng theo FT, Apple đang đầu tư nhiều hơn cho chip và nhân lực khi hãng chuẩn bị đưa các tính năng AI vào sản phẩm của mình. Apple cho biết đã tăng cường việc nghiên cứu và phát triển khi chi gần 30 tỉ USD cho mảng này trong năm 2023. Mức chi tiêu cho lĩnh vực này của Apple cũng đã tăng gấp 5 lần trong 10 năm qua.

Hòa cùng cơn sốt AI, cổ đông Blackwells Capital của Walt Disney ngày 26-2 kêu gọi hãng phim này đưa ra chiến lược về AI. Blackwells Capital cho rằng điều này sẽ giúp tăng giá cổ phiếu của Walt Disney lên 129%.

Lo ngại bong bóng thị trường

Trong bối cảnh cổ phiếu của nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới Nvidia tăng gần 450% kể từ tháng 1-2023 (theo báo The Economist), cùng sự tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu liên quan ngành bán dẫn, giới chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư có thể đang đưa thị trường vào con đường quen thuộc và đầy nguy hiểm của “trạng thái bong bóng”.

Tạp chí Fortune dẫn quan điểm của nhà quan sát thị trường kỳ cựu Jeremy Siegel, cựu giáo sư về tài chính tại Trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhận định thị trường chứng khoán vẫn chưa ở trạng thái bong bóng, ngay cả khi cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong năm nay nhờ cơn sốt AI. Tuy nhiên, ông lo ngại khi cho rằng sự gia tăng chóng mặt của cổ phiếu ngành bán dẫn là một biểu hiện có thể dẫn đến “bong bóng thị trường”.

“Sự khởi đầu cho một bong bóng đầu cơ có thể đang hình thành, nhưng không thể biết khi nào nó sẽ kết thúc”, ông Siegel viết trong bài bình luận ngày 26-2.

[ad_2]
Source link