[ad_1]
Cùng lúc đó, ngày càng nhiều các nhà phân tích tài chính tại Phố Wall và các nhà đầu tư công nghệ cảnh báo rằng số tiền đầu tư khổng lồ đang đổ vào công nghệ AI có thể dẫn đến bong bóng tài chính.
Quan ngại “cơn sốt vàng AI”
Công ty phân tích New Street Research ước tính các ông lớn công nghệ như Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft trong năm nay sẽ chi tổng cộng 104 tỉ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI.
Ngoài ra, tính thêm khoản đầu tư của nhiều công ty công nghệ nhỏ hơn và các công ty ngoài ngành khác, tổng số tiền chi cho các trung tâm dữ liệu AI từ năm 2023 – 2027 có thể đạt 1.400 tỉ USD.
Đáng chú ý, hồi tuần trước, trong một cuộc họp tài chính hằng quý của Alphabet, các nhà phân tích đã dồn dập hỏi Giám đốc điều hành (CEO) Alphabet Sundar Pichai rằng: “Khoản đầu tư 12 tỉ USD mỗi quý của công ty vào AI khi nào mới bắt đầu có lãi?”.
“Rủi ro từ đầu tư dưới mức đáng kể hơn so với đầu tư quá mức”, CEO Sundar Pichai của Alphabet trấn an các nhà đầu tư.
Ông Pichai đề cập đến việc Alphabet sẽ xây dựng nhiều hơn nữa các trung tâm dữ liệu AI để phục vụ tệp khách hàng nhánh điện toán đám mây của công ty. Chi tiêu vốn của Alphabet trong nửa đầu năm 2024 dự kiến tăng chạm mức 48 tỉ USD, phần lớn số tiền sẽ được chi cho các mảng liên quan đến AI.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng đầu tư hàng đầu ở Phố Wall như Goldman Sachs hay Barclays cùng một số quỹ đầu tư công bố các báo cáo quan ngại về “cơn sốt vàng AI”. Họ lập luận rằng công nghệ này có thể đang không tạo ra được lợi nhuận xứng đáng với hàng tỉ USD đầu tư mà nó thu hút được.
Hiện cổ phiếu của những tên tuổi AI lớn bao gồm Google, Microsoft và Nvidia đều tăng đáng kể trong năm nay, dù có nhiều ý kiến nhận định công nghệ này đang được xây dựng quá mức khi thế giới vẫn chưa có nhu cầu nhiều đến vậy.
“Mặc dù có mức giá đắt đỏ, công nghệ này vẫn chưa đạt đến mức có ích” – ông Jim Covello, một nhà phân tích thâm niên tại Goldman Sachs và 30 năm nghiên cứu các công ty công nghệ, nêu nhận định.
“Việc xây dựng quá mức những thứ mà thế giới không có nhu cầu, hoặc chưa sẵn sàng, thường có kết thúc tồi tệ”, chuyên gia Covello bình luận.
Theo Ngân hàng Barclays, các nhà phân tích ở Phố Wall dự đoán cho đến năm 2026 các công ty công nghệ lớn sẽ chi khoảng 60 tỉ USD/năm vào việc phát triển các mô hình AI nhưng chỉ thu được khoảng 20 tỉ USD doanh thu mỗi năm từ mảng này trong cùng thời điểm.
Khoản đầu tư này được cho là sẽ đủ để phát triển 12.000 sản phẩm có quy mô như ChatGPT.
Chuỗi cung ứng AI hưởng lợi
Trong khi đó, tăng đầu tư vào AI là tin vui cho nhiều nhà cung cấp đang hưởng lợi từ sự bùng nổ của ngành công nghiệp này. Chẳng hạn, công ty sản xuất chip AI hàng đầu thế giới Nvidia từng trở thành công ty có giá trị nhất thế giới vào tháng 6 vừa qua.
Bên cạnh Nvidia, nhiều công ty sản xuất chip cũng báo cáo doanh thu tăng mạnh nhờ cơn sốt AI. Đối thủ cạnh tranh AMD của Nvidia cho biết họ có thể bán lên đến 12 tỉ USD chip liên quan đến trung tâm dữ liệu AI trong năm nay, tăng từ 7 tỉ USD so với lần ghi nhận gần nhất.
Nhà sản xuất chip Broadcom cho biết doanh thu quý của họ đã tăng 280% so với cùng kỳ năm trước.
Các công ty sản xuất máy chủ như Dell và Hewlett Packard Enterprise (dpe) trong cuộc họp cập nhật tình hình gần nhất cũng cho biết doanh số máy chủ AI của họ đã tăng gấp đôi so với quý trước.
Chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp AI còn mở rộng và bao trùm hàng trăm công ty trên toàn cầu, từ các nhà sản xuất máy chủ ở Đài Loan đến các công ty điện lực ở Mỹ.
Các máy chủ AI có thể có nhu cầu năng lượng cao hơn gấp 10 lần so với các máy chủ thông thường.
Trong trường hợp này, Công ty Quanta Services (trụ sở tại Mỹ) chuyên xây dựng thiết bị truyền tải và năng lượng tái tạo ghi nhận nhu cầu tăng đột biến cho mảng kinh doanh liên quan đến trung tâm dữ liệu của công ty.
Báo Economist nhận định lợi nhuận tăng từ cơn sốt AI đối với các công ty ngoài ngành công nghệ đang tạo ra một làn sóng đầu tư đón đầu. Nhiều công ty cho biết sẽ xây dựng nhà máy mới hoặc chi nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng AI trên toàn cầu được cho là đang quá phụ thuộc vào Nvidia.
Chuyên gia Baron Fung của Hãng nghiên cứu thị trường Dell’Oro Group chỉ ra việc từ khi Nvidia rút ngắn thời gian tung ra sản phẩm chip mới từ hai năm xuống còn một năm, toàn bộ chuỗi cung ứng đã phải chật vật để xây dựng dây chuyền sản xuất mới và đáp ứng các mốc thời gian bị đẩy nhanh.
Theo đó, doanh số của nhiều công ty trong chuỗi cung ứng AI phụ thuộc vào khả năng mà họ có thể làm cho nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này hài lòng.
AI cần rất nhiều điện
Theo một bài tổng hợp của Goldman Sachs, một truy vấn trên ChatGPT trung bình sẽ cần lượng điện gấp gần 10 lần để xử lý so với một hoạt động tương tự trên Google.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng AI diễn ra mạnh mẽ, Goldman Sachs Research ước tính rằng nhu cầu về điện năng của các trung tâm dữ liệu sẽ tăng 160% vào năm 2030.
Hiện tại, các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới tiêu thụ 1 – 2% tổng lượng điện năng, nhưng tỉ lệ này có thể sẽ tăng lên 3 – 4% vào cuối thập niên.
Nhu cầu về điện của công nghệ AI có thể sẽ khiến tăng trưởng điện ở Mỹ và châu Âu lên mức chưa từng thấy trong một thế hệ.
Source link