Hiện tại, sự sống đang phát triển mạnh mẽ trên hành tinh giàu oxy của chúng ta. Tuy nhiên, quãng thời gian ‘tươi đẹp’ này sẽ không kéo dài một cách mãi mãi. Thay vào đó, bầu khí quyển Trái đất sẽ trở lại trạng thái giàu khí mê-tan và ít oxy trong tương lai, theo một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Theo đó, điều này có lẽ sẽ không xảy ra trong một tỷ năm nữa hoặc lâu hơn. Nhưng khi sự kiện này xảy đến, nó sẽ diễn ra khá nhanh. Sự dịch chuyển này sẽ đưa hành tinh Xanh trở lại trạng thái giống như trước khi xảy ra sự kiện được gọi là Sự kiện oxy hóa lớn (GOE) vào khoảng 2,4 tỷ năm trước.
Tại thời điểm đó, loài người hay hầu hết các dạng sống khác vốn dựa vào oxy để tồn tại gần như không còn cơ hội để sống sót trên Trái Đất. Nói cách khác, loài người sẽ phải tìm cách rời khỏi Trái Đất vào một thời điểm nào đó trong vòng một tỷ năm tới.
Để đi đến kết luận của mình, các nhà nghiên cứu đã chạy các mô hình chi tiết về sinh quyển của Trái đất, tính đến sự thay đổi độ sáng của Mặt trời và mức giảm tương ứng của nồng độ carbon dioxide, vốn bị phân hủy do mức nhiệt tăng. Ít carbon dioxide hơn có nghĩa là ít sinh vật quang hợp hơn (như thực vật), điều này sẽ dẫn đến ít oxy hơn.
Các nhà khoa học trước đây cũng đã dự đoán rằng bức xạ tăng lên từ Mặt trời sẽ làm ‘bốc hơi’ nước biển khỏi bề mặt hành tinh của chúng ta trong vòng khoảng 2 tỷ năm. Tuy nhiên mô hình mới nhất này – vốn đã chạy trung bình gần 400.000 lượt mô phỏng – cho biết việc Trái Đất giảm lượng oxy trước tiên sẽ tiêu diệt toàn bộ sự sống.
Nhà khoa học Trái đất Chris Reinhard, từ Viện Công nghệ Georgia, nói với New Scientist: “Sự sụt giảm oxy là rất, rất nghiêm trọng. Chúng ta đang nói về lượng oxy ít hơn khoảng một triệu lần so với ngày nay.”
Theo tính toán của chuyên gia Reinhard và nhà khoa học môi trường Kazumi Ozaki, từ Đại học Toho, Nhật Bản, khoảng thời gian các dạng sinh sống sinh sôi nảy nở nhờ bầu khí quyển giàu oxy của Trái Đất có thể chỉ chiếm 20-30% trên tổng vòng đời của Hành tinh xanh.