[ad_1]
Chuyến thăm Việt Nam của CEO Apple Tim Cook thu hút sự chú ý lớn cộng đồng mạng Việt Nam ngay từ những giờ đầu tiên ông đặt chân đến Hà Nội vào ngày 15-4. Sự quan tâm tới chuyến đi thậm chí vượt ra ngoài Việt Nam.
“Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp”, Giám đốc điều hành (CEO) của Apple Tim Cook bày tỏ ngay sau khi đến Việt Nam vào ngày 15-4.
CEO Apple Tim Cook
Tín hiệu tốt
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngoài các hoạt động bên lề tại Hà Nội, trong ngày 15-4, ông Tim Cook còn làm việc với đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trao đổi về các vấn đề hợp tác hai bên. Tuy nhiên, nội dung làm việc giữa hai bên được giữ kín theo yêu cầu từ phía Apple.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc NIC, nhận định chuyến thăm của ông Tim Cook đến Việt Nam lần này cũng giống như chuyến thăm của ông Jensen Huang – chủ tịch NDIVIA.
“Đây là tín hiệu tốt. Họ đến Việt Nam vì nhìn thấy các cơ hội đầu tư. Hiện rất nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện cho Apple như Foxconn, Samsung, Luxshare… đã có nhà máy tại Việt Nam”, ông Hoài nêu.
CEO Apple Tim Cook rời khách sạn 5 sao di chuyển đến một cơ sở giáo dục tại Hà Nội
Cũng theo phó giám đốc NIC, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hôm nay (16-4), dự kiến CEO Apple sẽ đưa ra các đề xuất liên quan đến đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam.
Lãnh đạo Apple cũng được kỳ vọng sẽ cam kết mua nhiều hơn các linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Trên thực tế, trước đó theo thông báo từ chính Apple, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của CEO Tim Cook, tập đoàn này sẽ công bố việc tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam. Mức chi của Apple cho các nhà cung cấp địa phương đã đạt gần 400.000 tỉ đồng kể từ năm 2019.
Tập đoàn Apple không trực tiếp sản xuất các sản phẩm mà thông qua các nhà cung ứng để sản xuất sản phẩm. Theo danh sách các nhà cung cấp toàn cầu được Apple công bố, có khoảng 25 nhà cung cấp của tập đoàn này đã hiện diện tại Việt Nam. Có thể kể ra một số cái tên lớn cung ứng cho Apple đã đến Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Goertek… với 27 cơ sở sản xuất đặt tại 13 tỉnh.
Cũng theo thông báo của Apple, trong năm nay tập đoàn sẽ mở rộng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật để thúc đẩy sự hòa nhập, mang đến cơ hội lớn hơn cho họ trong chuỗi cung ứng.
Apple cũng sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình trong quỹ phát triển nhân viên của nhà cung cấp trị giá 50 triệu USD, khi tập đoàn tăng cường khoản đầu tư cho các nhà cung cấp Việt Nam.
Nói thêm về chuyến đi đến Việt Nam, ông Tim Cook chia sẻ Apple luôn nỗ lực xây dựng những mối liên kết sâu sắc và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân ở nơi tập đoàn này hoạt động. Trong đó có việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, hỗ trợ các dự án cung cấp nước sạch và các cơ hội giáo dục khác.
Apple quan tâm Việt Nam
Sự quan tâm của người Việt đối với các sản phẩm của Apple là điều không thể bàn cãi, và trong những năm gần đây, tập đoàn với logo quả táo cắn dở đã ngày càng chú ý hơn đến thị trường 100 triệu dân này.
Việt Nam hiện nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất trò chơi dành cho điện thoại, chủ yếu trong các hệ điều hành Android của Alphabet và iOS của Apple. Năm ngoái, Apple cũng đã khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, cho phép người dùng mua hàng chính hãng trực tiếp từ tập đoàn mà không thông qua các nhà phân phối ủy quyền.
Nhưng các iFan (những người mê sản phẩm của Apple) và quy mô thị trường Việt Nam chỉ là một phần cho sự quan tâm của nhà táo khuyết. Trong ngày 15-4, kênh CNBC đã đăng bài viết “CEO Apple Tim Cook thăm Việt Nam – một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của gã khổng lồ iPhone”, cho thấy một lý do khác Tim Cook đến Việt Nam ngay từ tiêu đề.
Kênh truyền hình của Mỹ giải thích việc ông Tim Cook đến thăm Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Apple muốn tìm cách tăng doanh số bán hàng tại các thị trường mới. Việt Nam cũng đã trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng của Apple khi tập đoàn này tìm cách đa dạng hóa việc lắp ráp sản phẩm của mình bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, sức hút của Việt Nam còn đến từ các chính sách linh hoạt của Chính phủ để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghệ cao, theo giáo sư Nguyễn Mãi – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Chính phủ đã ban hành nhiều kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch sản xuất chip bán dẫn, và đặc biệt coi trọng liên kết với tập đoàn công nghệ lớn của thế giới. Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các ưu đãi chi phí, ưu đãi cho nghiên cứu phát triển. Những ưu đãi này sẽ được công bố trong quý 2 và quý 3 năm nay, góp phần làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư lớn.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khâu có giá trị gia tăng cao còn rất ít nên chuyện hình thành các liên doanh giữa trong nước và nước ngoài tham gia sản xuất các linh kiện điện tử là điều rất quan trọng. Apple lại chủ trương dùng doanh nghiệp bản địa để tham gia sản xuất linh phụ kiện cho họ.
“Đây là điều rất thuận lợi cho Việt Nam, bởi theo nhận định của Samsung hay Intel, nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu. Với những kỹ sư công nghệ đào tạo chưa đúng ngành nghề thì các tập đoàn nước ngoài chỉ đào tạo thêm khoảng 6 tháng là đáp ứng yêu cầu”, ông Mãi nói thêm.
Ví dụ tại trung tâm R&D của Samsung ở Hà Nội hiện có 3.200 kỹ sư đang làm việc, trong đó có nhiều kỹ sư người Việt. Đây cũng là trung tâm R&D đứng đầu châu Á của Samsung, trong tương lai đây sẽ là trung tâm R&D lớn nhất thế giới. Samsung cũng đánh giá những kỹ sư phần mềm hàng đầu của Việt Nam không thua kém gì những kỹ sư phần mềm hàng đầu của Hàn Quốc.
“Chúng ta đang có lợi thế về kỹ sư công nghệ, trong khi chi phí cho kỹ sư Việt Nam chỉ bằng 40% thù lao của kỹ sư Hàn Quốc”, giáo sư Mãi khẳng định.
Những cuộc gặp thú vị của Tim Cook ở Việt Nam
Đúng như cam kết đến Việt Nam để “kết nối với các sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng”, CEO Apple Tim Cook đã gặp ca sĩ Mỹ Linh và Mỹ Anh, đạo diễn trẻ Phương Vũ và người chuyên đánh giá các sản phẩm công nghệ Duy Thẩm (Ngô Đức Duy).
Ông Tim Cook cũng rất chịu khó cập nhật các hoạt động lên mạng xã hội X, thu về lượng lớn lượt thích và chia sẻ.
Source link