Loạt sự cố tấn công mạng, Thủ tướng ra công điện khẩn

[ad_1]

Chủ động các phương án để ứng phó tấn công mạng - Ảnh: HUỲNH QUI

Chủ động các phương án để ứng phó tấn công mạng – Ảnh: HUỲNH QUI

Công điện của Thủ tướng đưa ra khi vừa qua một số đơn vị để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.

Đặc biệt là hoạt động tấn công mạng, như mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh thời gian gần đây và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

Có đầy đủ phương án đảm bảo an toàn thông tin

Trong khi đó, nhiều hệ thống thông tin do tổ chức, doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp có phạm vi, ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp cần phải được quan tâm, triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức độ cao nhất.

Đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, Thủ tướng đề nghị bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo và phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng nếu để hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không bảo đảm an toàn thông tin mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi kết quả về bộ trước ngày 30-4.

Thực hiện nghiêm thời hạn hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho 100% hệ thống, triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin. Sử dụng thường xuyên các nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bố trí hạng mục về an toàn thông tin khi xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Bảo đảm tỉ lệ kinh phí để đảm bảo an toàn thông tin mạng, đạt tối thiểu 10% tổng kinh phí.

Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, tuân thủ nghiêm túc theo quy định và chỉ đạo. Trong đó, cần kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng.

Tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của cơ quan điều phối quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc: thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin, báo cáo đầy đủ thông tin, thiệt hại…

Săn lùng và loại bỏ các mối nguy hại

Với một số bộ ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình bảo đảm an toàn thông tin, phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho 100% hệ thống thông tin, định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, săn lùng và loại bỏ các mối nguy hại, ứng phó trước sự cố tấn công mạng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc đảm bảo an toàn thông tin mạng; hướng dẫn các cơ quan trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Thực hiện việc giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Tổng hợp thực tiễn để rút ra các bài học, phổ biến kinh nghiệm để giúp các tổ chức, cá nhân nhận biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng. Sử dụng các nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin mạng; báo cáo về các nguy cơ rủi ro…

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm.

[ad_2]
Source link