Bà Nguyễn Quỳnh Trâm – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng các ý tưởng khởi nghiệp giải quyết tốt bài toán trước mắt nhưng sau vài năm loay hoay thích nghi với biến động thị trường.
Startup Việt 2022 – cuộc thi dành cho những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, thiết thực, đã đi đến vòng cuối cùng. Từ 300 hồ sơ dự thi, ban giám khảo đã chọn ra 5 đội xuất sắc nhất để tham gia pitching (trình bày ý tưởng với nhà đầu tư) tại Gala vào 14/12. Trước thềm vòng cuối cùng, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, ban giám khảo cuộc thi đã có những chia sẻ về chất lượng chuyên môn đồng thời đưa ra lời khuyên cho các đơn vị khởi nghiệp trong giai đoạn bùng nổ công nghệ số.
– Bà đánh giá thế nào về cuộc thi Startup Việt năm nay?
– Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ phát triển nhanh với một hệ sinh thái khởi nghiệp rất năng động, đứng thứ ba Đông Nam Á kể từ năm 2019, chỉ sau Indonesia và Singapore. Cả nước hiện ghi nhận tổng cộng gần 4.000 startup, trong đó có 4 kỳ lân là VNG, VNLife (VNPay), M-Service (Momo) và Sky Mavis. Tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp đạt 1,3 tỷ USD năm 2021, cao gấp 4 lần so với năm 2020, đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận trong vài thập kỷ qua.
Ngoài ra, nếu chúng ta xét theo mật độ các công ty khởi nghiệp trên đầu người thì tỷ lệ ở Việt Nam thậm chí cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.
Do đó, Startup Việt là một cuộc thi rất ý nghĩa, có tác dụng khuyến khích và chắp cánh cho các dự án có tài năng và có tầm nhìn, tự tin khẳng định mình, từ đó vươn ra thế giới. Cuộc thi còn là nơi để các đơn vị tụ hội, trao đổi, chia sẻ, và học hỏi lẫn nhau cũng như học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Đặc biệt, chương trình giúp các đơn vị xây dựng được một lộ trình phát triển, từ việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm giải pháp, đến marketing và mở rộng quy mô thị trường.
Theo tôi, đây là một cuộc thi rất thiết thực trong tiến trình chuyển đổi số của nước nhà.
– Mặt bằng chung các đội thi năm nay thế nào?
– Tôi ấn tượng với các startup dự thi năm nay. Nhìn chung, các bạn có những ý tưởng rất tốt. Các giải pháp của các bạn không dừng lại ở các lĩnh vực kinh doanh “hot” trên thị trường mà còn tập trung hướng đến việc giải quyết các vấn đề và thách thức hiện tại của xã hội, ví dụ như bảo vệ môi trường, hay nâng cao sức khỏe tinh thần cho mọi người, góp phần xây dựng một Việt Nam bền vững hơn.
Các ý tưởng nằm trong Top 20 có sự đa dạng để xây dựng các giải pháp và ứng dụng góp phần giải quyết những thách thức và khó khăn trong xã hội. Từ các ý tưởng bảo vệ môi trường như giải pháp thu gom rác thải sinh hoạt, giải pháp sàn giao dịch điện tử quần áo đã qua sử dụng, đến các ý tưởng sử dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm của người học; hay thậm chí là sử dụng blockchain để xây dựng ứng dụng về kinh doanh bất động sản.
– Vậy đâu là điểm họ cần cải thiện?
– Tuy các đơn vị có ý tưởng hay, thiết thực trong cuộc sống, nhưng có lẽ do các bạn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên các chiến lược phát triển kinh doanh khá đơn giản, thiếu thực tế trong việc đánh giá nguồn đầu tư và công sức cần bỏ ra.
Cũng có một số startup làm khá tốt kế hoạch trong giai đoạn đầu, hoặc được sự ủng hộ ban đầu của gia đình người thân, nhưng đến giai đoạn triển khai mở rộng kinh doanh (scale up) thì lại chưa tốt, chưa có các chiến lược marketing phù hợp cho các đối tượng khách hàng tiềm năng.
– Bà chờ đợi gì ở màn piching (trình bày ý tưởng trước nhà đầu tư) của Top 5 tại Gala sau khi vượt qua vòng phỏng vấn?
Các đại diện trong Top 5 đều là những đội có tố chất. Họ có sự chuẩn bị khá tốt về giải pháp của mình. Tuy họ trẻ tuổi nhưng lại đến với cuộc thi với tinh thần học hỏi cao và rất tích cực tương tác với ban giám khảo để cải thiện giải pháp một cách tốt hơn. Những ý tưởng của họ cũng rất có tham vọng với mong muốn tạo ra sự thay đổi cho xã hội. Trong vòng Top 20, chúng tôi đã đặt những câu hỏi rất cụ thể để các doanh nghiệp nhận ra được những điểm yếu của mình, những điểm mình cần phải thay đổi và cải thiện. Do đó, tôi hi vọng trong phần trình bày của Top 5 trong Gala, các bạn sẽ rút được kinh nghiệm, làm tốt hơn và hoàn thiện giải pháp của mình hơn.
– Số lượng startup ra đời rất nhiều nhưng lại dễ thất bại, vậy đâu là nguyên nhân?
– Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đang bước vào giai đoạn vàng của sự bùng nổ các công ty khởi nghiệp. Theo khảo sát thực tế, trong số này chỉ có 3% là thực sự thành công. Theo tôi, các startup Việt cũng như thế giới đều gặp phải những thách thức chung, đó là thiếu nguồn vốn, chưa có kinh nghiệm phát triển và mở rộng thị trường. Đặc biệt họ chưa xây dựng được một chiến lược cụ thể và rõ ràng.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhiều đơn vị tuy rất hoài bão, có ý tưởng tốt, có mục tiêu lớn, nhưng họ chưa thực sự biết tận dụng hết những nguồn lực sẵn có xung quanh, ví dụ như công nghệ để hỗ trợ cho việc vận hành và phát triển kinh doanh của mình.
– Để sinh tồn trong kỷ nguyên công nghệ số, startup cần chuẩn bị những gì?
– Khi công nghệ đang len lỏi vào mọi lĩnh vực và ngành nghề trong xã hội, các doanh nghiệp mới cần trang bị cho mình không chỉ những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh mà cả trong lĩnh vực công nghệ. Họ cần biết cách sử dụng công nghệ như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của mình. Công nghệ có thể hỗ trợ trong mọi giai đoạn, từ nghiên cứu thị trường đến phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô kinh doanh.
Các đơn vị này cũng cần xây dựng cho mình một mạng lưới các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh để có thể được tư vấn, định hướng và góp ý trong những chiến lược phát triển của mình.
Tại Microsoft, chúng tôi có sứ mệnh là trao quyền cho mọi cá nhân và tổ chức trên thế giới để họ đạt được nhiều thành tựu hơn. Và khi nói đến “mọi tổ chức”, tức là chúng tôi muốn được hỗ trợ cho không chỉ các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn là cộng đồng khởi nghiệp. Microsoft có rất nhiều sáng kiến và chương trình hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng các startup trên thế giới để giúp họ thực hiện tham vọng và thúc đẩy sự đổi mới.
Điển hình như “Microsoft for Startups Founders Hub” là một nền tảng số cung cấp các lợi ích và tín dụng trị giá hơn 300.000 USD cho phép các công ty startup khu vực châu Á tiếp cận miễn phí các công nghệ, công cụ và tài nguyên cần thiết để xây dựng và điều hành doanh nghiệp. EM&AI là một startup Việt trưởng thành từ Microsoft for Startups Founders Hub với các giải pháp công nghệ phân tích ngôn ngữ tự nhiên NLP tiếng Việt và trí tuệ nhân tạo AI. EM&AI từ một đơn vị tham gia nền tảng giờ đây đã trở thành đối tác của Microsoft.
Hay như sáng kiến “Highway to 100 Unicorns” là một cuộc thi thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Abivin – một đại diện Việt Nam. với giải pháp được xây dựng dựa trên công nghệ AI có khả năng định tuyến các phương tiện vận tải, từ đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đã giành chiến thắng chung cuộc trước nhiều cái tên trong khu vực.
Chúng tôi còn có các chương trình hợp tác với She Loves Tech để tìm kiếm cơ hội và hỗ trợ đầu tư nhiều hơn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại châu Á do phụ nữ đứng đầu. Đặc biệt, trong năm tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều hoạt động để phát triển cộng đồng khởi nghiệp và “digital native” – các công ty công nghệ sinh ra ở Việt Nam – trang bị không chỉ các kỹ năng công nghệ mà cả các khóa đào tạo về quản trị kinh doanh, digital marketing hay thậm chí là hỗ trợ các startup phát triển games.
– Bà đánh giá thế nào về cơ hội khởi nghiệp với Metaverse, Web3, Blockchain…?
– Metaverse, Web 3 và Blockchain là ba công nghệ mới nổi hiện nay. Tuy nhiên, các startup nên quan niệm rằng công nghệ chỉ là công cụ để hiện thực hóa ý tưởng, tham vọng và kế hoạch của mình, chứ không nên là vì công nghệ đó “hot” mà xây dựng startup. Quan trọng là đơn vị dùng công nghệ để làm gì, nó giúp ích được gì và như thế nào cho những vấn đề và thách thức của xã hội.
– Doanh nghiệp có thể bắt đầu từ lĩnh vực nào nếu muốn khởi nghiệp trong 5 đến 10 năm tới?
– Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ và chỉ trong hai năm đại dịch vừa qua, công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc trên toàn thế giới. Công nghệ sẽ còn tiếp tục tác động đến mọi mặt của cuộc sống và mọi ngành nghề trong xã hội, từ các lĩnh vực gần gũi với công nghệ nhất như tài chính ngân hàng, viễn thông, y tế, cho đến các lĩnh vực xưa nay ít vận dụng công nghệ như giáo dục, vận tải hay sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng là các startup phải giải quyết được các bài toán lớn trong xã hội thì dù là 5 năm hay 10 năm tới, họ cũng sẽ luôn phát triển rất tốt.
Ví dụ, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp và trong thời đại công nghệ số, nông nghiệp cũng rất cần phải được áp dụng công nghệ vào mọi quá trình từ sản xuất, thu hoạch, đến kinh doanh, và phân phối sản phẩm. Hoặc một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển và đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn,… sẽ luôn là những bài toán cần các startup có lời giải.