[ad_1]
Tại hội thảo gần đây về nghiên cứu, đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch, PGS.TS Mai Thanh Phong – hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói – kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị.
Trong bốn khâu này, Việt Nam chỉ có thể tham gia khâu thiết kế (tổng doanh thu toàn cầu khâu này năm 2022 đạt khoảng 215 tỉ USD). Tuy nhiên, nhân lực để tham gia khâu này lại rất hạn chế.
Cơn khát toàn cầu
Sự sôi động về thị trường cũng như mức độ “khát” nhân lực về lĩnh vực vi mạch trên thế giới đã được nhiều chuyên gia nhận định đây không phải là “cơn khát” riêng của Việt Nam mà là của toàn cầu.
Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện tại TP.HCM đã có hàng chục công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… với nhân sự hơn 5.000 kỹ sư và chuyên gia về thiết kế vi mạch.
Theo khảo sát từ các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, nhu cầu nhân lực lĩnh vực này trong thời gian tới tại Việt Nam là hơn 1.000 kỹ sư/năm.
TS Lê Đức Hùng – trưởng phòng thí nghiệm xử lý tín hiệu số và hệ thống nhúng (DESLAB), khoa điện tử – viễn thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – dẫn thống kê của Cộng đồng vi mạch Việt Nam cho thấy cả nước hiện có trên 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, trong đó ở TP.HCM có hơn 30 công ty, và sẽ còn tăng trong thời gian tới.
“Sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam, đặc biệt ở TP.HCM, ngày càng tăng dẫn đến thị trường cần nguồn cung nhân lực khá lớn” – ông Hùng nói.
Nhân lực thiết kế vi mạch “thiếu và yếu”
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Phúc Vinh – người có gần 20 năm kinh nghiệm về vi mạch – nhận xét kỹ sư thiết kế vi mạch Việt Nam được đánh giá rất cao về kỹ năng, thái độ công việc và kinh nghiệm thực chiến tuyệt vời trong các thiết kế phức tạp, đáp ứng tốt các kỹ thuật chế tạo bán dẫn tiên tiến nhất.
Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng thiết kế vi mạch được xem là một trong những ngành hẹp với hàm lượng kiến thức và kỹ năng kỹ thuật đòi hỏi ở mức chuyên sâu. Đây cũng là lĩnh vực có sự đổi mới và tiến bộ liên tục, các công nghệ mới tiên tiến hơn đòi hỏi kỹ sư phải có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và tự đúc kết kinh nghiệm.
Hiện chưa có chương trình đào tạo thiết kế vi mạch đúng nghĩa ở Việt Nam, thiết kế vi mạch vẫn được xem là chuyên ngành trong nhóm kỹ thuật điện – điện tử hay kỹ thuật máy tính. Các môn học và kiến thức được giảng dạy ở các ngành và các trường cũng có sự khác biệt.
Do đó, ông Vinh nhận định: “Thực trạng đầu tư về đào tạo nhân lực cho ngành này chưa đạt cả về chất và lượng; về chất, các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 3 đến 6 tháng; về lượng, đặc biệt tại TP.HCM, hiện gặp khó khi muốn tuyển dụng và mở rộng vì hầu như các bạn sinh viên năm 3 đã nhận việc và đi làm.
Việc đào tạo lại tốn một khoản chi phí, nhân lực và thời gian đáng kể từ doanh nghiệp. Điều đó đã làm chậm bước tiến phải có trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành này”.
Gỡ nút thắt nhân lực ra sao?
Theo PGS.TS Hoàng Trang – trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay đa số các trường đại học về kỹ thuật đều có đào tạo chuyên ngành vi mạch (thuộc các ngành điện tử – viễn thông, kỹ thuật máy tính bậc đại học, ngành kỹ thuật điện tử bậc thạc sĩ).
Tuy nhiên, do truyền thông không tốt hoặc do đặc thù của từng trường chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành có giới hạn nên số sinh viên tốt nghiệp ngành vi mạch không thể tăng đột biến.
“Trường chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp gỡ dần các nút thắt này rất tốt và đang trên tiến trình phát triển mạnh mẽ. Chương trình đào tạo bậc đại học và cao học về thiết kế vi mạch đã được xây dựng từ trước và đang điều chỉnh để đáp ứng tình hình mới” – ông Trang nói.
TS Lê Đức Hùng cho rằng để gỡ nút thắt về nhân lực lĩnh vực vi mạch, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ trong đào tạo và nghiên cứu thiết kế.
Thứ nhất, việc tiếp cận và sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch chuyên nghiệp thường có chi phí rất cao nên cần sự đầu tư tập trung và dài hạn của Nhà nước.
Thứ hai, cần có chương trình đào tạo bài bản và chuẩn mực về thiết kế vi mạch.
Thứ ba, cần xây dựng chương trình Multi-Project Wafer (MPW) và phòng lab được đầu tư trang thiết bị hoàn chỉnh cho phép sinh viên, giảng viên chế tạo thử nghiệm, đo kiểm thiết kế để nâng cao kỹ năng.
Thứ tư, cần sự hợp tác và trở về của các chuyên gia Việt kiều, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Thứ năm, các đề tài nghiên cứu khoa học về thiết kế vi mạch cần có tính khuyến khích và những tiêu chí đánh giá riêng.
“Ngoài việc hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp về thiết kế vi mạch, rất cần mô hình tam giác gồm ba nhà: nhà trường – nhà doanh nghiệp – Nhà nước để hướng tới hình thành một hệ sinh thái thiết kế vi mạch và bán dẫn” – ông Hùng nói.
Tương tự, TS Minh Khang cũng cho rằng: “Cần có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực trong đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch. Phải sớm phát triển chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch, vì hiện nay danh mục ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT chưa có ngành này. Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng các phòng lab về nghiên cứu và chế tạo vi mạch cho các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quy, giảng viên cao cấp Trường vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội, từ năm học 2023 – 2024 ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu mở chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn.
Theo đó, chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano sẽ là chương trình đào tạo đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội trang bị cho người học đầy đủ kiến thức và kỹ năng của cả quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói đến kiểm chuẩn cũng như phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.
Mục tiêu hướng tới việc đảm bảo cho những kỹ sư vi điện tử tốt nghiệp từ ĐH Bách khoa có thể tham gia công việc thiết kế, chế tạo và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn, góp phần vào sự phát triển và cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao này.
Không tuyển sinh ồ ạt
Dù nhu cầu nhân lực cao nhưng để đảm bảo chất lượng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ không tuyển sinh ồ ạt ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano. Theo đó, dự tuyển vào ngành này năm 2023 khoảng 40 – 60 chỉ tiêu.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lớp chuyên ngành quy mô dưới 40 sinh viên/lớp. Một số môn có chuyên môn sâu còn được tổ chức 10 – 20 sinh viên/lớp. Đặc biệt chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano sẽ có nhiều học phần như vậy.
“Trong các năm tiếp theo, chương trình đào tạo sẽ có kế hoạch tăng số lượng sinh viên nhưng không ồ ạt, phải đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên, đáp ứng tốt nhu cầu của đơn vị sử dụng nhân lực” – PGS.TS Nguyễn Văn Quy nói.
5 chương trình đào tạo sau đại học
Tại Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội đang triển khai 5 chương trình đào tạo sau đại học trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bao gồm: thạc sĩ kỹ thuật điện tử (Trường ĐH Công nghệ), thạc sĩ khoa học và kỹ thuật máy tính (Viện Công nghệ thông tin), thạc sĩ vật lý chuyên ngành công nghệ bán dẫn (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, chương trình đào tạo liên kết với Đài Loan), tiến sĩ kỹ thuật điện tử (Trường ĐH Công nghệ), tiến sĩ khoa học và kỹ thuật máy tính (Viện Công nghệ thông tin).
* GS.TS Lê Quân (giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội):
Để nhanh chóng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tích hợp thì việc đầu tư hình thành trung tâm hỗ trợ thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia (IC Design House) là hết sức cấp thiết. Mô hình này sẽ cho phép tập trung nguồn lực, tiết kiệm chi phí đầu tư; tăng cường kết nối và chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm thiết kế, thậm chí chia sẻ tài sản trí tuệ…
Mặt khác, chi phí đầu tư một nhà máy chế tạo vi mạch quy mô công nghiệp có thể lên tới 5-10 tỉ đô la. Do đó, đầu tư phòng thí nghiệm chế tạo ở quy mô trường đại học, có khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ cho các công ty vừa và nhỏ là giải pháp phù hợp để phát triển lĩnh vực chế tạo vi mạch trong tương lai.
* PGS.TS Vũ Hải Quân (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Việc đào tạo và nghiên cứu về thiết kế vi mạch sẽ triển khai song hành. ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ hai mục tiêu này. Phòng thí nghiệm này có thể được đặt tại Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo – dự án ĐH Quốc gia TP.HCM nhận được khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ các chuyên gia, sinh viên trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM mà có thể sẽ mở rộng khả năng phục vụ các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến vi mạch, bán dẫn ở khu vực phía Nam.
* PGS.TS Nguyễn Anh Thi (trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM – SHTP):
Đào tạo nhân lực trình độ cao không thể tách rời với hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, để từng trường đại học đầu tư phòng lab và trang bị các công cụ thiết kế tự động hóa thì chi phí rất cao và không hiệu quả. Do vậy, tại các trung tâm lớn như TP.HCM cần đầu tư phát triển một trung tâm do Chính phủ bảo trợ có thể cung cấp các cơ sở hạ tầng dùng chung cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực.
Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) được thành lập và đưa vào vận hành từ tháng 10-2022 trên cơ sở hợp tác với Công ty Synopsys. Ngày 30-5, chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Cadence để cung cấp bản quyền cho các trường đại học trong khu vực.
Hiện tại chúng tôi đã cấp bản quyền phần mềm của Synopsys cho các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Sinh viên có thể truy cập trực tiếp để sử dụng các phần mềm này từ các trường đại học.
* Ông Kim Huat Ooi (phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam):
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện và chúng tôi có rất nhiều phân tích dữ liệu cần thực hiện. Với mức độ công việc phức tạp như vậy, chúng tôi cần những nhân sự có năng lực về kỹ thuật và công nghệ để thực hiện những hoạt động nghiên cứu và giải quyết những vấn đề mới.
Do đó, chúng tôi bắt đầu hợp tác với các trường đại học để đề xuất những thay đổi cần thiết trong chương trình giảng dạy nhằm phù hợp với thực tiễn.
* GS.TS Đặng Lương Mô (chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ vi mạch, cố vấn cao cấp tại ĐH Quốc gia TP.HCM):
Việc đào tạo thiết kế vi mạch trong tầm tay các trường có chuyên môn về điện tử trong ĐH Quốc gia TP.HCM và ICDREC. Điều cần lúc này là sự đồng thuận, nhất trí giữa các cơ sở đào tạo và sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo.
Điều cần có trước nhất là sự kết hợp hài hòa giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Nên lập ra tổ tư vấn gồm các chuyên gia để xây dựng chính sách gây dựng nguồn nhân lực cần có cho sự phát triển về thiết kế vi mạch.
Source link