Ứng dụng AI trong giáo dục ra sao?

[ad_1]

Học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Viện có các dự án phối hợp với một số trường ĐH đào tạo AI cho các sinh viên, trong đó có Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và mới đây là Trường ĐH Fulbright Việt Nam. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Vũ Duy Thức cho rằng các chương trình giáo dục ở các nước chuyển từ “đánh giá kết quả sang đánh giá cách đạt được kết quả”. Đây là một trong những thay đổi căn bản về cách giảng dạy trong bối cảnh lên ngôi của AI.

Mọi lĩnh vực đều có AI hỗ trợ

* Các lớp học AI của Viện New Turing do anh và tiến sĩ Lương Minh Thắng sáng lập hiện hoạt động như thế nào, thưa anh?

– Chúng tôi bắt đầu giảng dạy AI từ năm 2018 theo chương trình của ĐH Stanford và Google, được biên soạn lại cho phù hợp với Việt Nam. Chương trình được xây dựng thành một chuỗi, phân ra nhiều cấp độ cho người học, từ xuất phát điểm chưa biết gì về AI đến trình độ cơ bản và nâng cao.

Nội dung các khóa hướng đến giúp người học, dù từ bất cứ lĩnh vực nào, cũng có thể ứng dụng AI trong công việc và đời sống. Đến nay, chúng tôi đã dạy được trên 40 khóa, tổng cộng khoảng 2.000 học viên.

Ban đầu, học viên học trực tiếp, nhưng trong giai đoạn dịch COVID-19, các lớp học chuyển sang hình thức online. Hiện tại, các bạn học online là chủ yếu và có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp khi các bạn cần tư vấn chuyên sâu.

* Nên bắt đầu tiếp cận AI từ đâu?

– ChatGPT là công cụ để học hỏi và làm quen với AI rất dễ dàng. Hiện nay có khá nhiều các kênh hướng dẫn làm thế nào để sử dụng ChatGPT hiệu quả.

Hoặc có thể lựa chọn một ứng dụng AI gần với công việc bạn đang làm. Gần như ở mọi lĩnh vực đều sẽ có các công cụ mà AI hỗ trợ cho công việc hiệu quả hơn. Thế mạnh của AI nằm ở khả năng tìm kiếm, tổng hợp, phân tích thông tin, hình ảnh, dữ liệu… Nhân viên văn phòng có các phần mềm dùng AI để xử lý nhanh chóng thông tin, số liệu.

AI cũng đem đến những ý tưởng mới. Một nhà thiết kế nội thất trước đây mất rất nhiều tiếng đồng hồ để vẽ các hình ý tưởng mẫu. Với AI, họ chỉ cần một cú click chuột là có thể tham khảo nhiều hình khác nhau. Dựa trên đó, họ có thể nâng cấp các ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tiến sĩ Vũ Duy Thức – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Câu hỏi lớn cho giáo dục

* Vừa qua, cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và giáo viên cả nước trước năm học 2023 – 2024 đã ghi nhận nhiều tâm tư của các thầy cô. Nhiều giáo viên trăn trở vì chưa được định hướng sử dụng AI trong môi trường giáo dục như thế nào?

– Thật ra, tôi thấy rằng không chỉ ở Việt Nam, đây là một câu hỏi lớn mà hầu hết các trường phổ thông, ĐH trên thế giới đều đang gặp phải. Bởi xét trên một góc độ nào đó, AI đang làm “đảo lộn” các khía cạnh trong giảng dạy, cho điểm, đánh giá… Hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nhưng tôi nghĩ, cần có sự dịch chuyển trong định hướng giáo dục. Không phải dạy để học sinh thuộc lòng. Cũng không phải học chỉ để ra kết quả. Mà việc dạy, việc học sẽ dựa trên cách tiếp cận, phân tích vấn đề để tìm ra câu trả lời. Cách thức làm ra lời giải sẽ quan trọng hơn là lời giải. Theo tôi, giáo dục nói chung, ở bất kỳ đâu, sẽ dần thay đổi để đưa những quan niệm này vào trong giảng dạy, thi cử.

* Một trong những kết quả quan trọng từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden mới đây là sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Đây có phải là cơ hội cho AI của Việt Nam tăng tốc không, thưa anh?

– Muốn phát triển mạnh về AI cần ba yếu tố chính, gồm năng lực tính toán (computing power), dữ liệu (data) và nguồn nhân lực tài năng (talents). Năng lực tính toán có thể hiểu như sức mạnh của phần cứng, của các hệ thống xử lý cho AI. Tiền đề cho các hệ thống xử lý mạnh là nền công nghiệp bán dẫn.

Hiện nay, Việt Nam đang nhận được nhiều kỳ vọng có thể phát triển trong ngành bán dẫn. Những mối hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mua bản quyền (license) và bắt đầu tham gia vào sản xuất bán dẫn với giá thành cạnh tranh. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống xử lý cùng nguồn tài nguyên chip mạnh mẽ.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam sở hữu những tài năng về AI. Nhiều chuyên gia Việt Nam đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở những tập đoàn công nghệ lớn. Họ sẵn sàng tham gia các dự án trong nước. Nếu xây dựng được cộng đồng các chuyên gia AI và khai thác triệt để tiềm năng từ họ, AI của Việt Nam có thể phát triển bền vững khi luôn cân bằng được yếu tố phần cứng và con người.

* Trước những cường quốc công nghệ, theo anh đâu là hướng đi khả dĩ cho Việt Nam trong cuộc đua AI, vốn sẽ “ngốn” không ít tài lực?

– Sẽ có những hướng đi ngách giúp Việt Nam tối ưu được hiệu quả và tăng sức cạnh tranh. Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu”. Chẳng hạn về AI trong y tế. Ở Việt Nam, có nhiều dữ liệu về các loại bệnh giúp phát triển được các sản phẩm nhanh hơn.

Cụ thể, Việt Nam vẫn còn ghi nhận không ít các ca bệnh lao. Nhiều hình ảnh, tư liệu của các bệnh nhân mắc lao sẽ giúp sớm phát triển được các ứng dụng AI chẩn đoán bệnh lao. Ở Mỹ, vì số người mắc lao khá ít, nên khó phát triển những ứng dụng AI này.

Tương tự, tình hình giao thông có phần “lộn xộn” tại Việt Nam cũng cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào phong phú để giải quyết các bài toán AI trong phân luồng, điều tiết giao thông. Chính những vấn đề thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong phát triển kinh tế – xã hội lại cung cấp những đầu bài và dữ liệu để phát triển những giải pháp AI hữu ích.

* Anh đánh giá thế nào về nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ của Việt Nam hiện tại?

– Việt Nam có nhiều “tài năng thô” (“raw talents”). Các bạn có tư duy, trình độ, khả năng nhận thức tốt. Chỉ cần các bạn tiếp cận được công nghệ, các chương trình AI thì sẽ phát triển nhanh.

Để phát hiện và bồi dưỡng các “tài năng thô”, tôi nghĩ có nhiều cách. Trước hết là tạo cho các bạn cơ hội được tiếp xúc với AI từ sớm. Từ cấp II, các bạn có thể làm quen với những khái niệm về lập trình, robotics… Tiếp cận sớm giúp các bạn mất ít thời gian hơn để làm quen và sớm hình thành tư duy sử dụng thuật toán, tư duy sử dụng AI.

Tiếp đó là tạo nhiều cơ hội cho các bạn cọ xát, có thể bằng việc tổ chức nhiều sân chơi, kỳ thi về AI để những tài năng thô này có thể tranh tài. Cuối cùng là kết nối các bạn được với các chuyên gia đầu ngành công nghệ thông tin, AI, qua đó các bạn được khơi gợi niềm cảm hứng, được học hỏi, được định hướng từ những người có nhiều kinh nghiệm đi trước.

TP.HCM tăng cường dạy AI cho học sinhTP.HCM tăng cường dạy AI cho học sinh

Học sinh trường THPT chuyên, lớp chuyên sẽ được tìm hiểu các mô hình toán, hiểu các giải thuật AI, lập trình ứng dụng các giải thuật này vào giải quyết những vấn đề cụ thể…

[ad_2]
Source link