Tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo cho TP.HCM

[ad_1]

Nhóm sinh viên thiết kế robot tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhóm sinh viên thiết kế robot tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Albert Antoine – chuyên gia gốc Việt về trí tuệ nhân tạo (AI), đồng sáng lập nhiều dự án start-up công nghệ tại Singapore, đồng thời là cố vấn chiến lược về đổi mới sáng tạo, AI và khoa học dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và nhiều công ty lớn ở châu Á – cho rằng TP.HCM đang có nhiều đòn bẩy cần được tận dụng để mang tới những kết quả thiết thực.

Kiến tạo

* Có nhiều kinh nghiệm quốc tế, ông có thể chia sẻ một số cách làm hay của các nước thúc đẩy các dự án khoa học công nghệ và cộng đồng đổi mới sáng tạo?

– Cách đây hai năm, tôi bắt đầu một dự án start-up mới về lĩnh vực công nghệ, có trụ sở chính tại Singapore và Pháp. Hai chính phủ hỗ trợ rất mạnh mẽ những dự án đổi mới sáng tạo gắn liền với các sản phẩm tiên tiến, nhất là về AI.

Ở Pháp, chính quyền hỗ trợ cho những dự án đổi mới sáng tạo như của chúng tôi về chi phí lao động, cho từ 30-50% chi phí bảo hiểm xã hội mà các start-up công nghệ phải đóng cho người lao động.

Bên cạnh đó, chính quyền sẵn sàng dành những khoản tiền trợ cấp cho các dự án đổi mới sáng tạo tiềm năng dưới 2 năm tuổi. Start-up của chúng tôi đã được hỗ trợ đến 2 triệu euro. 

Nhà nước cũng khuyến khích start-up đi gọi vốn thông qua cơ chế nếu các dự án khoa học công nghệ trẻ tuổi gọi được vốn trên 1 triệu USD, chính quyền sẵn sàng tiếp thêm 50% số vốn gọi được nhưng tất nhiên nhà nước sẽ không lấy cổ phần.

Chính quyền Singapore cũng có cơ chế khuyến khích các dự án đổi mới sáng tạo tạo ra những sản phẩm mới có thể bán ra thế giới.

Chẳng hạn, một dự án start-up khoa học công nghệ nếu cần tìm một chuyên viên phát triển thị trường quốc tế, chính quyền sẽ chi trả 50% tiền lương cho chuyên viên này trong năm đầu. Hoặc nếu start-up cần tham gia các chương trình ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của mình, họ cũng nhận được khoản tài trợ đôi khi lên đến 15.000 SGD.

* Chính quyền nên nắm vai trò gì trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thưa ông?

– Tôi nghĩ trước hết là tâm thế chính quyền có thực sự xem các dự án đổi mới sáng tạo hay các start-up khoa học công nghệ là một động lực cho phát triển kinh tế hay không? Nếu có, họ sẽ có những cách làm mang tính kiến tạo.

Chẳng hạn, chính quyền Singapore có một đội ngũ chuyên đánh giá các start-up tiềm năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đội ngũ này hiểu biết cả về kinh doanh lẫn khoa học công nghệ. Với một sản phẩm mới từ dự án đổi mới sáng tạo, họ kiểm tra và đánh giá được mức độ mới mẻ của sản phẩm và khả năng áp dụng.

Nếu thật sự nhìn thấy hiệu quả, một đội ngũ cũng từ chính quyền sẽ đảm nhiệm phần việc truyền thông cho sản phẩm ở cả Singapore và quốc tế. Họ còn đưa các sản phẩm này vào “luồng xanh” để giới thiệu vào các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, không cần theo quy định đấu thầu các sản phẩm có giá trị trên 70.000 SGD.

Theo tôi, một thành phố thông minh sẽ không được đo bằng số camera lắp trên đường, mà bằng việc làm thế nào để đời sống của người dân được tốt hơn. Muốn phục vụ người dân tốt hơn, cần có thêm những chương trình giúp công chức, viên chức – những người trực tiếp phục vụ người dân – liên tục tiếp cận với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Albert Antoine

Chia “miếng bánh” cho start-up

* Từ nghị quyết 98, TP.HCM dự định triển khai nhiều bước đi đột phá về lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo ông, TP.HCM còn cần thêm gì nữa?

– Xây dựng một trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế cho đổi mới sáng tạo là tốt. Trang thiết bị vật chất hiện đại giúp được rất nhiều cho những nhóm đổi mới sáng tạo có nguồn lực để thử nghiệm những dự án mới, có thêm không gian giao lưu, tương tác. Hỗ trợ về tài chính, nếu có, cũng rất cần thiết vì với những dự án đổi mới sáng tạo, dòng tiền vô cùng quan trọng.

Nhưng theo tôi, sự hỗ trợ quan trọng nhất mà TP.HCM có thể dành cho các nhóm đổi mới sáng tạo là tạo điều kiện cho họ tham gia phát triển các sản phẩm của mình vào giải quyết những dự án của thành phố.

Thay vì một dự án lớn giải quyết bài toán kinh tế xã hội – chẳng hạn thành phố thông minh – được dành hết cho các tập đoàn lớn. Thì nay, TP.HCM có thể “chia nhỏ” và có được một số đầu bài trong dự án lớn ấy dành riêng cho các start-up khoa học công nghệ tham gia giải quyết.

30 năm trước, các dự án lớn của Singapore tất cả đều dành cho những tập đoàn lớn. Chúng tôi từng tư vấn cho Phó thủ tướng Singapore Tony Tan cần quyết liệt với ý tưởng chia nhỏ cho các dự án start-up. 

Chúng tôi dẫn chứng mô hình của Hong Kong: ngay trong những dự án quan trọng như một mô hình công nghệ quản lý sân bay Hong Kong, họ vẫn sẵn sàng dành cho các cộng đồng đổi mới sáng tạo.

Ngày nay, chính phủ nhiều nước luôn có những phần dành riêng trong các dự án cho các start-up khoa học công nghệ hoặc những công ty nhỏ dưới 10 triệu USD mới được tham gia. Tôi nghĩ TP.HCM hoàn toàn có thể đẩy mạnh cách làm này, tạo một nguồn động lực rất lớn cho cộng đồng đổi mới sáng tạo. Có thêm nhiều động lực cho nghiên cứu, phát triển là cơ hội cho các cộng đồng đổi mới sáng tạo lớn mạnh.

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về quy định mức chi triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại TP.HCM.

Đề án sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi nghiệp, mua bản quyền chương trình huấn luyện, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh.

Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% tổng dự toán kinh phí thực hiện.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện.

[ad_2]
Source link