[ad_1]
Ngày này năm ngoái, Arthur Mensch, 30 tuổi, vẫn đang làm việc tại Google. Trí tuệ nhân tạo khi đó mới bắt đầu xuất hiện và được bàn tán như một thứ gì đó hay ho hơn khoa học viễn tưởng.
Kể từ đó, AI, với khả năng trò chuyện và suy luận giống con người, đã trở thành bước đột phá công nghệ được nhắc đến nhiều nhất trong nhiều thập kỷ. Công ty khởi nghiệp của Mensch – Mistral AI cũng ra đời, được định giá hơn 2 tỷ USD và đến nay tròn 9 tháng tuổi.
Theo WSJ, Mistral AI đang thách thức quan niệm thông thường rằng người chiến thắng trong cuộc đua AI sẽ phải là một trong số những gã khổng lồ của ngành công nghệ Mỹ. Arthur Mensch và các cộng sự không nghĩ rằng quy mô khổng lồ là điều cần thiết.
Được biết, Mistral AI vừa huy động thành công hơn 500 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Andreessen Horowitz. Founder Mensch đã dành phần lớn cuộc đời mình để tìm ra cách làm cho hệ thống AI và máy học trở nên hiệu quả. Đầu năm ngoái, anh hợp tác với co-founder Timothée Lacroix, 32 tuổi và Guillaume Lample, 33 tuổi, để thực hiện ước mơ của mình.
Cùng nhau, họ đang đặt cược rằng startup của mình có thể vượt qua các gã khổng lồ Thung lũng Silicon bằng cách tìm ra phương thức hiệu quả hơn để xây dựng và triển khai hệ thống AI. “Chúng tôi muốn trở thành công ty sử dụng vốn hiệu quả nhất trong thế giới AI. Đó là lý do chúng tôi tồn tại”.
Sắp tới, Mistral có kế hoạch công bố một mô hình AI mới, được gọi là Mistral Large, có thể thực hiện một số tác vụ suy luận tương đương với GPT-4. Chi phí đào tạo chưa tới 20 triệu euro, tương đương khoảng 22 triệu USD. Trong khi đó, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cho biết vào năm ngoái rằng việc đào tạo những mô hình lớn nhất của công ty ông tiêu tốn từ 50 triệu đến 100 triệu USD.
Mistral thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư, trong đó có cả Microsoft. Tập đoàn tuyên bố sẽ bổ sung mô hình mới của Mistral làm tùy chọn cho các nhà phát triển trên dịch vụ đám mây Azure và đổi lại, sẽ được nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ.
Brian Bondy, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ của Brave, cho biết Brave Software đã đặt mô hình mã nguồn mở miễn phí từ Mistral làm mặc định để hỗ trợ chatbot trên trình duyệt web. Chất lượng tương đương với các mô hình độc quyền và cách tiếp cận nguồn mở của Mistral cũng cho phép Brave kiểm soát mô hình dễ dàng hơn.
Eric Boyd, phó chủ tịch tập đoàn phụ trách nền tảng AI của Microsoft, cho biết Mistral đưa ra một thử nghiệm hấp dẫn về việc kỹ thuật thông minh có thể thúc đẩy các hệ thống AI đến mức nào.
Mensch từ lâu đã yêu thích công việc kinh doanh. Anh lớn lên ở vùng ngoại ô phía tây Paris, có mẹ là giáo viên vật lý còn cha là chủ một doanh nghiệp công nghệ nhỏ. Vị CEO tương lai đã theo học tại một số ngôi trường hàng đầu của Pháp, luôn háo hức tham gia các dự án và thành thạo nhiều kỹ năng ngay cả khi có rất ít kiến thức nền tảng.
“Tôi thích những trải nghiệm mới”, Mensch nói.
Mensch gia nhập Google AI (sau có tên là DeepMind) vào cuối năm 2020 và cùng xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn. Đến năm 2022, anh là một trong những tác giả chính của bài báo mô hình AI mới có tên Chinchilla.
Khi cuộc đua AI nóng dần vào năm 2022, Mensch cho biết bản thân rất thất vọng khi các phòng thí nghiệm AI tư nhân lớn không nói nhiều về mô hình ngôn ngữ lớn. Chỉ khi ChatGPT ra mắt, cơn sốt mới nóng dần.
Ngay từ đầu, Mensch đã đóng vai trò vận động hành lang cho các nhà hoạch định chính sách của Pháp, trong đó có cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Anh cho rằng việc phát hành các hệ thống AI ban đầu dưới dạng nguồn mở mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng hoặc điều chỉnh miễn phí là nguyên tắc tối quan trọng. Đó cũng là cách giúp thu hút sự chú ý của các nhà phát triển cũng như khách hàng tiềm năng mong muốn có nhiều quyền kiểm soát đối với AI mà họ sử dụng.
“Rõ ràng đó là sự cân bằng mong manh giữa việc xây dựng mô hình kinh doanh và gắn bó với các giá trị nguồn mở”, Mensch nói. “Chúng tôi muốn phát minh ra những thứ mới. Chúng tôi muốn khách hàng có thêm sự lựa chọn”.
Với Arthur Mensch, việc trở thành kỳ lân công nghệ đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình tăng tốc của công ty. Truyền thông Mỹ đã coi đây như một đối thủ tiềm năng của OpenAI – công ty đứng sau chatbot ChatGPT.
Được biết, Microsoft đang đầu tư 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD) vào startup này để giúp hãng mở ra “các cơ hội thương mại mới”, đồng thời phát triển ra thị trường toàn cầu. Phía tập đoàn cũng sẽ hỗ trợ “kỳ lân” công nghệ của Pháp tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng mới khi tung ra trợ lý đàm thoại đa ngôn ngữ kiểu ChatGPT có tên “Le Chat”.
“Về cơ bản, chúng tôi đồng ý hợp tác lâu dài với Mistral AI để họ có thể đào tạo và triển khai các mô hình thế hệ tiếp theo cho AI trên các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng của chúng tôi”, đại diện Microsoft cho biết.
Theo: WSJ, CNBC
Source link