[ad_1]
Thông tin tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” ngày 30/6, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, các đội quản lý thị trường (QLTT) trên khắp cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tổng cộng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Riêng 4 tháng đầu năm 2023, có 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 45,5 tỷ đồng.
Vấn nạn hàng giả ‘nhức nhối’
“Từ giữa năm 2022 khi dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng lại thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu tái sôi động. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, tinh vi”, ông Linh cho biết.
Đáng chú ý, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay,toàn bộ tuyến biên giới phía bắc đã được rào kín, việc hàng giả đưa qua các đường mòn, lối mở gần như không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, các đối tượng vẫn vận chuyển hàng giả về trong nước bằng cách công khai, tổ chức lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả đi qua các cửa khẩu chính với số lượng lớn.
“Bây giờ đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, nghiên cứu pháp luật rất kỹ để luồn lách cơ quan Nhà nước, cơ quan thực thi.
Rất nhiều sản phẩm hàng giả được làm giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền.
Với những vụ việc này, để xử lý tranh chấp rất mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều khi lực lượng QLTT còn bị các đối tượng kiện ngược lại”, ông Linh chia sẻ về một trong những khó khăn mới trong công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhìn nhận internet là “mặt trận” rất nóng trong việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bởi có đến 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, được mua bán trên mạng.
“Bắt hàng giả ngoài thực tế đã khó rồi, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều bởi vì đặc thù môi trường mạng internet”, ông Linh nói.
Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu
Một khó khăn nữa được lực lượng QLTT đưa ra đó là khi biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái thì các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam, thường có tâm lý e ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né. Trên thực tế, khi người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm này có hàng giả thường sẽ lựa chọn thương hiệu khác để mua.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng: “Tốt nhất là doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như QLTT để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay”.
Đồng tình với quan điểm trên, với kinh nghiệm thực tế doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền, đại diện bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết URC luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.
Khi phát hiện các hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, Công ty chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.
Ở góc độ chuyên môn, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng với xu hướng quản trị hiện đại, không ít tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có bộ phận pháp lý, ban pháp chế… để xử lý về vấn đề hàng nhái, hàng giả và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực… nên chủ động kết nối và có cơ chế hợp tác thường xuyên với luật sư, đại diện pháp lý để được tư vấn, hỗ trợ ứng phó với những vụ việc bị vi phạm về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh thông tin: “Thời gian tới lực lượng QLTT tiếp tục nhận diện nguyên nhân cũng như mức độ và các phương thức, thủ đoạn làm hàng giả phức tạp, tinh vi để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp với từng phương thức khác nhau”.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm; tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử như: Chống thất thu thuế trên thương mại điện tử, dùng những biện pháp kỹ thuật internet truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội…
“Chúng tôi coi đây là mặt trận nóng và rất khó nhưng với nghĩa vụ, trách nhiệm được giao, Tổng cục Quản lý thị trường vẫn quyết tâm đấu tranh với hàng giả, hàng nhái”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định.
Phan Trang
Source link