[ad_1]
Cuộc mưu sinh, học tập, lập nghiệp… đã khiến nhiều người phải đón Tết xa nhà, có khi đến nửa vòng trái đất. Các ứng dụng công nghệ đã giúp họ như đang ngồi cùng nhau với sự hỗ trợ của Internet và smartphone và các ứng dụng OTT để thăm chúc nhau ngày Tết.
Đoàn viên online, chúc Tết qua app
“Yêu cầu công việc buộc tôi ít khi có mặt ở nhà và cũng khó đi đâu xa được, ngay cả những ngày lễ Tết. Giờ người già như ba mẹ tôi cũng sử dụng thành thạo Zalo, Facebook nên việc tôi có thể dễ dàng gọi video hỏi thăm, chúc Tết gia đình và bạn bè, người thân quen mọi lúc mọi nơi.
Tết này cũng sẽ như vậy thôi, tôi sẽ vừa trực chiến ở công ty, vừa tranh thủ gọi video chúc Tết với gia đình, bạn bè, người thân” – anh Thành Trung, quản trị mạng của một công ty công nghệ tại TP.HCM, cho biết.
Bích Phượng, trưởng phòng truyền thông một tập đoàn tại TP.HCM, cho biết: “Tôi sinh sống và làm việc tại TP.HCM nhưng đại gia đình, ông bà, họ hàng vẫn ở Hà Nội. Tôi không có nhiều thời gian để về quê, từ nhiều năm nay tôi chọn cách gọi video chúc Tết, đặc biệt là lúc giao thừa và mùng 1 Tết tới ông bà và họ hàng ở quê”.
Thường họ hàng sẽ quây quần với nhau trong những thời khắc này, chỉ cần gọi cho một người là mọi người sẽ chuyền tay nhau chiếc điện thoại để nói chuyện và thăm hỏi nhiều cô chú, anh chị cùng lúc. “Mạng Internet kết nối gia đình và tình thân tốt hơn khi chúng ta không có điều kiện thăm hỏi trực tiếp”, chị Phượng chia sẻ.
Không chỉ qua các ứng dụng OTT trên điện thoại thông minh, nhiều gia đình còn sử dụng cả tivi thông minh có gắn camera, thậm chí trang bị hẳn hệ thống hội nghị truyền hình để nhiều người có thể “gặp nhau” dễ dàng.
Một chiếc tivi thông minh màn hình lớn được gắn sẵn camera được nhà ông Hữu Xuân (Quảng Ngãi) sử dụng thường xuyên mấy năm nay. “Con tôi đứa đang sống bên Mỹ, đứa lập gia đình trong Sài Gòn. Tết này chúng không về nhà được. Cả nhà hẹn nhau đêm giao thừa trên màn hình tivi”, ông Xuân vui vẻ chia sẻ.
Ông Xuân cho biết kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, các con ông đã cho lắp hẳn “một hệ thống” gọi điện có hình đầy đủ và tiện nghi trong phòng khách.
“Khi các con và chúng tôi có thời gian rảnh sẽ nhắn tin qua app để hẹn nhau. Tới giờ, tôi chỉ việc mở tivi, bấm vào cái app là trò chuyện thoải mái với con cháu. Đứa ở Mỹ thì khó gặp do khác giờ giấc, nhưng được như vậy cũng vui lắm rồi”, ông Xuân bày tỏ.
Nhắn nhau lời chúc vẫn quý hơn
Nhiều ứng dụng OTT còn chủ động cung cấp sẵn những lời chúc Tết với nhiều hiệu ứng hấp dẫn. Người dùng chỉ việc bấm chọn là có thể gửi ngay lời chúc đến người thân, thậm chí cả loạt bạn bè trong danh sách một cách dễ dàng mà không phải “tốn não” suy nghĩ câu chúc. Điều này ít nhiều khiến người ta lạm dụng những lời chúc công nghệ, buông lơi đời sống văn hóa bao đời.
“Chúng ta không thể chối cãi những tiện ích mà OTT mang lại cho sự kết nối, tương tác với các mối quan hệ trong cuộc sống, kể cả dịp Tết. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức OTT cũng triệt tiêu văn hóa “tay bắt mặt mừng” rất quý báu của người Việt Nam” – chuyên gia truyền thông Dy Khoa có ý kiến.
Ông Khoa kể từng nhiều lần bị nhận những tin nhắn chúc Tết rất “công nghiệp”, na ná nhau vì tính “copy” tiện lợi của ứng dụng. “Người nhận chắc hẳn sẽ khó cảm thấy đong đầy tình cảm”, ông Khoa có ý kiến.
Bà Trần Lê Hương Giang, giám đốc vận hành Công ty truyền thông Wecommunicators, cho rằng hình thức gọi video chúc Tết hay hơn tin nhắn sao chép, bởi nó mang lại cảm giác gần gũi hơn. Tuy nhiên, gọi điện video chỉ là một lựa chọn hỗ trợ cho những ai vì điều kiện bất khả kháng không thể về đoàn viên với gia đình, hoặc dành cho bạn bè, chứ không thay thế được việc gặp gỡ trực tiếp người thân yêu vào dịp Tết.
“Không phải chỉ gọi video một lúc là đã xong Tết. Chính việc được đoàn viên, tay bắt mặt mừng, ngồi ăn một bữa cơm… mới là Tết. Đặc biệt với ông bà, cha mẹ, anh em trực hệ thì kiểu gì cũng phải sắp xếp để về gặp nhau dịp Tết”, bà Giang chia sẻ quan điểm.
Ông Dy Khoa cũng đồng ý rằng: “Nếu có điều kiện, những người gần nhau hãy nhín chút thời gian qua thăm nhau. Cực chẳng đã phải dùng OTT thì nên cá nhân hóa lời chúc để lời chúc trọn vẹn ý nghĩa”.
Truyền thống Tết sẽ bị phai nhạt?
Việc phai nhạt hay tiếp nối truyền thống văn hóa nói chung và Tết nói riêng có vai trò rất lớn từ gia đình. Nếu gia đình các thế hệ từ ông bà, bố mẹ có cách để lan tỏa tình yêu và tinh thần Tết đúng đắn thì chắc chắn thế hệ trẻ cũng sẽ yêu Tết.
Tôi không cổ vũ việc ngày Tết phải mâm cao cỗ đầy, lau dọn từ sáng tới khuya… như thế sẽ khiến giới trẻ chỉ có thể sợ và “trốn” Tết. Họ sẽ càng dễ tìm được lý do để không về Tết, và dùng cuộc gọi video để thực hiện “nghĩa vụ” con cháu.
Nhưng nếu các gia đình có sự xoay chuyển theo kịp sự tiến bộ xã hội thì Tết vẫn vừa ấm áp đoàn viên theo truyền thống nhưng vẫn vừa có không gian riêng cho mỗi người, mỗi gia đình nhỏ trong một gia đình to được tận hưởng Tết theo cách riêng của mình.
Tôi nghĩ ai là người Việt Nam cũng đều yêu Tết, và tất cả mọi người đều chỉ muốn được về bên gia đình ngày Tết” – bà Trần Lê Hương Giang cho biết.
Source link