Nhiều cơ hội lẫn thách thức với nhân lực công nghệ Việt Nam

[ad_1]

Nhân sự công nghệ của một doanh nghiệp làm việc tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân sự công nghệ của một doanh nghiệp làm việc tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lao động Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động công nghệ cao, vốn đang thiếu hụt tại nhiều nước. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu nhân lực lớn hiện nay sẽ cần nhiều nỗ lực nâng cao tay nghề lẫn chuyện kết nối, đào tạo.

Nhận lương ngoại tệ, tiêu trong nước

Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể tiếp cận việc làm ở môi trường nước ngoài, làm việc từ xa với mức lương hấp dẫn. Ngược lại, các công ty trong và ngoài nước ở Việt Nam cũng có thể dễ dàng tìm kiếm nhân tài kịp thời từ nhiều thị trường quốc tế, trong khi thị trường lao động nội địa chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo ông Dan Westgarth – giám đốc điều hành (CEO) của Công ty giải pháp nhân sự Deel (trụ sở ở California, Mỹ), thế giới đang bước vào giai đoạn thứ hai của toàn cầu hóa và người lao động có thể làm việc từ mọi nơi.

“Chúng ta có thể sống ở một quốc gia nhưng làm việc cho một công ty đa quốc gia (tại một nước khác), kiếm tiền ở mức của một lao động đa quốc gia và chi tiêu được trên khắp toàn cầu”, ông Westgarth nói với Tuổi Trẻ.

CEO của Deal, nhà cung cấp giải pháp công nghệ nhân sự trên toàn cầu hiện có hơn 25.000 khách hàng tại 150 quốc gia, nhấn mạnh làm việc từ xa đang là xu hướng vì vậy ưu tiên hiện nay là tập trung trau dồi và phát triển kỹ năng thay vì quá chú ý đến địa điểm làm việc.

Hiện nay, công ty nước ngoài được cho đang có xu hướng tuyển người Việt nhiều nhất ở các vị trí như kỹ sư phần mềm/lập trình viên, phân tích dữ liệu, chuyên viên tiếp thị số và kỹ sư dữ liệu.

Thống kê của công ty Mỹ cũng cho thấy năm quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam cao nhất là Mỹ, Singapore, Úc, Hong Kong và Anh. Trong đó, thị trường Úc đang rất “khát” lao động và đây là thị trường rất chuộng lao động Việt Nam.

Thử thách cho nhân lực công nghệ Việt

Nhân sự Việt Nam được đánh giá có những tố chất phù hợp cho những ngành nghề như lập trình, phát triển phần mềm, thu thập và phân tích dữ liệu… Tuy nhiên, theo bà Antonia Sanda – giám đốc cấp cao phụ trách truyền thông của Deel tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dù Việt Nam đang rất quan tâm đến việc phát triển nhân lực công nghệ cao, tốc độ hiện nay vẫn khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trên thực tế, nhiều ý kiến cũng cho rằng nhu cầu tuyển dụng các ngành công nghệ cao tại Việt Nam rất lớn nhưng trình độ nhân lực nhìn chung vẫn cần cải thiện, đào tạo thêm. Tại Công ty TNHH Cốc Cốc (sở hữu trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc), nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… tăng gấp đôi trong khoảng ba năm trở lại đây và sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới, theo bà Mai Thị Thanh Oanh – phó tổng giám đốc Công ty Cốc Cốc.

“Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% ứng viên đáp ứng tối thiểu 80% các tiêu chí tuyển dụng để mời phỏng vấn. Sau phỏng vấn sơ bộ, tỉ lệ ứng viên đáp ứng yêu cầu công việc và có thể đi làm chỉ còn khoảng 5%, tức là khoảng 20 ứng viên đến dự tuyển thì mới chọn được một nhân sự phù hợp”, bà Oanh nói với Tuổi Trẻ.

Tương tự, Công ty Huawei Việt Nam cũng nhìn nhận nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Bà Nguyễn Hương, giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam, cho rằng khi so sánh với nhân lực quốc tế, khả năng ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định liệu nguồn nhân lực Việt Nam có thể cạnh tranh với nhân tài các nước.

“Hiện nay nhân lực Việt Nam ngày càng có ý thức tốt hơn để nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình. Tại Huawei, nhân lực công nghệ thông tin xuất sắc của Huawei Việt Nam thường được cử sang nước ngoài để hỗ trợ các dự án công nghệ ở nước khác”, bà Hương cho biết.

59

Việt Nam xếp hạng thứ 59 trong Chỉ số làm việc từ xa toàn cầu (GRWI) năm 2023, trong đó đánh giá tiềm năng của 108 quốc gia/vùng lãnh thổ đủ điều kiện trở thành điểm đến hàng đầu cho nhân sự làm việc từ xa. Việt Nam được đánh giá có tốc độ Internet tốt, có cơ sở hạ tầng số và có nhiều đột phá trong chính phủ số.

[ad_2]
Source link