Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại trong quý 2?

[ad_1]

Viettel vừa công bố đấu giá thành công băng tần 5G, được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ 5G thương mại đầu tiên tại Việt Nam - Ảnh: ĐỨC THỌ

Viettel vừa công bố đấu giá thành công băng tần 5G, được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ 5G thương mại đầu tiên tại Việt Nam – Ảnh: ĐỨC THỌ

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 – 2600 MHz trong vòng 15 năm tới với mức giá hơn 7.533 tỉ đồng.

Khối băng tần này được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo.

Ngay quý 2 năm nay sẽ có 5G?

Viettel cho biết băng tần 2500 – 2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và mạng di động 5G.

Việc trúng đấu giá quyền sử dụng cho phép Viettel tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G.

Theo quy chế đấu giá khối băng tần 2500 – 2600 MHz, sau khi Bộ TT-TT phê duyệt và công bố kết quả đấu giá, Viettel phải nộp tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số, tức khoảng hơn 3.700 tỉ đồng, trong thời hạn 3 tháng.

Tối thiểu 50% của số tiền còn lại phải nộp trong thời hạn 30 tháng. Trong thời hạn 60 tháng (5 năm), nhà mạng phải hoàn thành nộp toàn bộ số tiền đấu giá thành công.

Sau khi đóng đầy đủ tiền và phí, nhà mạng mới được cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần.

Như vậy, về mặt lý thuyết, nhà mạng có thể mất đến 5 năm kể từ ngày đấu giá thành công mới được cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường.

Tuy nhiên, với thời hạn sử dụng băng tần chỉ có 15 năm, chẳng nhà mạng nào dại làm chậm thời điểm bắt đầu khai thác kinh doanh để thu lại tiền.

Hiện tại chưa có thông tin chính thức nào từ Viettel về thời điểm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện nhà mạng này cho biết: “Các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500 – 2600 MHz.

Chúng tôi dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất”. Tính đến thời điểm này, Viettel đã xây dựng và triển khai thử nghiệm gần 500 trạm 5G tại 63 tỉnh thành. Nhà mạng này còn triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) đánh giá Viettel có đầy đủ tiềm lực cả về tài chính và hạ tầng mạng lưới để thương mại hóa dịch vụ 5G nhanh nhất có thể.

“Khả năng trong quý tới, thậm chí sớm hơn, Viettel sẽ cung cấp những dịch vụ 5G thương mại đầu tiên tại Việt Nam”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Trong khi đó, hai khối băng tần còn lại là 3.700 – 3.800 MHz và 3.800 – 3.900 MHz cũng sẽ được đấu giá vào các ngày 19-3 và 14-3 sắp tới.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhận định khả năng chiến thắng sẽ thuộc về hai nhà mạng lớn còn lại là VNPT và MobiFone. Và cũng tương tự như Viettel, các nhà mạng trúng đấu giá chắc chắn sẽ cố gắng nhanh nhất có thể để cung cấp dịch vụ 5G thương mại ra thị trường.

Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới

Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới

Những dịch vụ 5G đầu tiên là gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng đều cho biết sẽ cung cấp những dịch vụ 5G ra thị trường ngay khi được cấp phép.

Tuy nhiên số lượng các gói cước, dịch vụ trên mạng 5G trong thời điểm ban đầu sẽ khá khiêm tốn bởi hạ tầng mạng 5G vẫn còn ít và đang trong thời gian triển khai xây dựng.

“Những gói cước truy cập Internet tốc độ cao trên nền 5G, với tốc độ kết nối hàng trăm Mbps, có thể là những dịch vụ đầu tiên người dùng cuối được trải nghiệm ngay lập tức.

Ngay như dịch vụ Data di động cũng có thể sẽ phân chia thành nhiều gói cước theo các mức tốc độ khác nhau, giống như dịch vụ Internet mạng cáp đến các hộ gia đình hiện nay. Sau đó sẽ có thêm nhiều loại hình dịch vụ khác gia tăng theo số lượng trạm phát 5G của các nhà mạng.

Đặc biệt sẽ có dịch vụ 5G dành riêng cho doanh nghiệp để sử dụng cho các ứng dụng quản lý mạng lưới doanh nghiệp, thành phố thông minh, y tế từ xa”, đại diện một nhà mạng chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Hướng định giá dịch vụ 5G

Tại Hội nghị thượng đỉnh “5G Beyond Growth – Bứt phá tăng trưởng cùng 5G” diễn ra cuối tháng 2 vừa qua tại Tây Ban Nha, ông Li Peng – phó chủ tịch cấp cao kiêm chủ tịch nhóm kinh doanh và dịch vụ ICT của Tập đoàn Huawei – chia sẻ thông tin hơn 20% nhà mạng 5G toàn cầu đã áp dụng mô hình định giá theo tầng tốc độ.

Chẳng hạn một nhà mạng ở Thái Lan cho phép thuê bao 5G chọn các mức tốc độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tốt nhất cho mọi cá nhân.

Một nhà mạng khác ở Trung Quốc phổ biến gói cước có đường truyền tải lên được đảm bảo, giúp trải nghiệm mượt mà và cam kết độ phân giải cao cho những người dùng phát trực tiếp (livestream).

“Các dịch vụ mới như New Calling – Cuộc gọi thế hệ mới, Cloud Phones – Điện thoại đám mây và Glasses-free 3D – 3D không cần kính đang ngày càng được người dùng quan tâm. Cuộc gọi thế hệ mới với tiện ích tạo hình đại diện ảo đang trở nên khá phổ biến.

Người dùng cũng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ cuộc gọi mang lại trải nghiệm thời gian thực”, ông Li Peng chia sẻ. Ông này còn cho biết 5G cũng được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp.

Tại Trung Quốc, mạng riêng 5G (5G Private) đã được thương mại hóa tại hơn 50.000 doanh nghiệp thuộc hơn 50 ngành công nghiệp.

5G phải có tốc độ tối thiểu 100 Mbps

Ngày 11-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G (tốc độ trung bình của 4G đạt 30 – 40 Mbps), đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng 99% dân số.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2024 là thời điểm chín muồi để cấp phép băng tần thương mại hóa 5G.

Bộ TT-TT cũng đã xác định 2024 là năm phổ cập hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thế giới đã có 1,5 tỉ người dùng 5G

Theo thông tin từ Tập đoàn Huawei, tính đến cuối năm 2023, hơn 300 mạng 5G thương mại đã được triển khai trên khắp thế giới.

5G đang phát triển với tốc độ tăng trưởng quy mô người dùng toàn cầu cao gấp 7 lần so với 4G cùng thời kỳ.

Sau 5 năm kể từ khi bắt đầu thương mại hóa vào năm 2019, hiện đã có hơn 1,5 tỉ người dùng sử dụng mạng 5G, trong khi 4G phải mất 9 năm để biến điều này thành hiện thực.

Hiện tại 20% thuê bao di động trên thế giới đang sử dụng 5G, tạo ra 30% tổng lưu lượng truy cập di động và đóng góp tới 40% doanh thu dịch vụ di động.

[ad_2]
Source link