[ad_1]
Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được đánh dấu bằng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, trong đó hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một bước đột phá.
Những ưu tiên chung
Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về đổi mới, sáng tạo và nền kinh tế công nghệ cao.
Ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại và kinh tế, Viện kinh tế Nam Á (ĐH Quốc gia Singapore), nhận định định hướng phát triển kinh tế công nghệ cao của Việt Nam có thể nhìn thấy tiềm năng từ chiến lược “friend-shoring” của Mỹ.
Theo đó, chính quyền ông Biden đang nỗ lực định hình lại chuỗi cung ứng khu vực. Washington thậm chí thể hiện mong muốn đưa đầu tư bán dẫn về Mỹ và hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Trong lộ trình đó, Washington đang làm việc với các nước đối tác tin cậy để tìm nguồn cung ứng và các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng sản xuất chip, ông Palit nói với Tuổi Trẻ.
Trong những năm qua, dù đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng đều song thực tế tổng giá trị đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các đối tác khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Singapore.
Theo bà Alicia Garcia Herrero – kinh tế trưởng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể mở đường cho sự thay đổi theo hướng tích cực.
“Các lĩnh vực chủ đạo trong hợp tác kinh tế Việt – Mỹ như ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh có thể nhận được nhiều nguồn vốn từ nước ngoài hơn”, bà phân tích.
Nỗ lực để tận dụng thời cơ
Năng lực sản xuất mà Việt Nam đã phát triển trong suốt 2 – 3 thập niên qua được cho là đang giúp Việt Nam có vị trí tốt để tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn.
Ông Palit cho rằng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất, bán dẫn vì Việt Nam là một nước sản xuất điện tử, nơi nhu cầu sử dụng chip rất lớn.
Các ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI, công nghệ xanh, có thể có nhiều cơ hội hơn với dòng vốn FDI tăng lên sau sự kiện nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên FDI công nghệ cao, dành nhiều ưu đãi và lợi ích hơn cho các doanh nghiệp mảng này.
“Dù vậy, quá trình từ đầu tư cho đến củng cố năng lực sản xuất sẽ cần thời gian, nhất là khi Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế trong nước như cơ sở hạ tầng, phát triển chính sách và sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô”, bà Herrero nói với Tuổi Trẻ.
Nhiều cơ hội thu hút chuỗi cung ứng, xuất khẩu hàng hóa
Theo ông Nguyễn Thắng Vượng – Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), thời gian qua, do xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu nên nhiều tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp Mỹ đã tăng đầu tư vào Đông Nam Á và Việt Nam. Xu hướng này mang lại cả thuận lợi lẫn thách thức.
“Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm hấp dẫn để đón dòng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý do vì chúng ta là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đã có hiệu lực và có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Thêm nữa, ta có thị trường tiêu dùng trong nước triển vọng với 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trong tương lai, môi trường kinh doanh đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều chỉ số đã tăng trong thời gian qua để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn”, ông Vượng phân tích.
Trong lĩnh vực cơ khí, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, mảng cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, nhất là ngành sản xuất ô tô.
Không chỉ là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Mỹ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng với các sản phẩm như máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy, ô tô, phụ tùng ô tô.
Về xuất khẩu, theo Bộ Công Thương cũng có nhiều cơ hội, đặc biệt là xuất khẩu trực tuyến. Với tổng doanh số thương mại điện tử năm 2022 đạt mức trên 1 triệu tỉ USD, hoạt động mua sắm trực tuyến là xu thế trong tương lai.
Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến, ngoài các kênh truyền thống.
Source link