[ad_1]
Meta đang hạn chế sự phụ thuộc vào mảng kinh doanh tin tức, các vấn đề thời sự và chính trị trên khắp các nền tảng truyền thông xã hội. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức các nước yêu cầu gã khổng lồ công nghệ Mỹ chi nhiều tiền hơn cho các tổ chức truyền thông, theo FT.
Meta, sau nhiều năm cố gắng xoa dịu các nhà xuất bản quyền lực bằng cách tài trợ cho nhiều dự án phi lợi nhuận, đang củng cố lại lập trường. Tập đoàn này trước đó cũng đối đầu với chính phủ Canada và khẳng định sẽ sớm loại bỏ tin tức từ các nguồn cấp dữ liệu sau khi nền tảng Facebook bị buộc trả tiền cho các nhà xuất bản và đài truyền hình. Google cũng phải tham gia đàm phán với các hãng tin tức Canada về việc trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình.
Do không đi đến bất kỳ thỏa thuận nào với Meta, chính phủ Canada quyết định ngừng mọi hoạt động mua quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram. Họ cho biết không thể tiếp tục chi trả phí quảng cáo cho Meta, công ty chủ quản của Facebook và Instagram, khi mà hai nền tảng mạng xã hội này từ chối chi trả phí cho các hãng tin tức Canada.
Theo Paul Deegan, giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại News Media Canada, hơn 30 nhà quảng cáo, trong đó có chính phủ liên bang, Quebec và British Columbia, đã tuyên bố ngừng quảng cáo để phản đối Meta. Được biết, Canada chiếm khoảng 3 tỷ USD trong tổng số doanh thu Meta hàng năm 117 tỷ USD vào năm 2022.
“Công ty đang có nguy cơ mất nhiều hơn những gì họ lẽ ra phải trả cho các doanh nghiệp tin tức theo Đạo luật Tin tức Trực tuyến”, Deegan nói, đồng thời kỳ vọng các nhà quảng cáo khác cũng sẽ có động thái tương tự. “Quyết định ‘hủy kết bạn’ với Canada sẽ ảnh hưởng xấu tới người dùng, cổ đông và danh tiếng Meta”.
Trước đó, đúng là có thời điểm Meta tìm cách lôi kéo các nhà xuất bản, song các giám đốc điều hành cấp cao đã kết luận rằng có sự xung đột lợi ích giữa nền tảng và ngành công nghiệp tin tức. Sự phát triển của mảng kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số thường xuyên bị chỉ trích là một trong những lý do khiến doanh thu các nhà xuất bản báo chí sụt giảm.
Nghiên cứu của Meta nhận thấy 3 tỷ người dùng của họ thích video dạng ngắn và nội dung từ những người có sức ảnh hưởng hơn là tin tức và chính trị. Từ năm 2021, nền tảng này bắt đầu giảm các nội dung liên quan đến chính trị trong nguồn cấp dữ liệu người dùng. Báo cáo của NERA Economic Consulting cũng kết luận rằng các “nội dung tin tức từ các nhà xuất bản truyền thống không có nhiều giá trị đối với Meta”.
“Đạo luật Tin tức Trực tuyến dựa trên tiền đề không chính xác rằng các công ty truyền thông xã hội được hưởng lợi một cách không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng”, đại diện Meta cho biết.
Việc Meta rút lui khỏi lĩnh vực tin tức diễn ra sau loạt cáo buộc cho rằng việc Meta không kiểm duyệt tốt ứng dụng đã góp phần gây ra những mâu thuẫn xoay quanh cuộc bầu cử của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các cuộc bạo loạn vào Điện Capital.
Để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ, Threads – ứng dụng giống Twitter vừa được Meta phát hành vào tối ngày 5/7 hiện không hỗ trợ quảng cáo và chỉ nhắm mục tiêu lôi kéo thêm càng nhiều người dùng càng tốt. Theo Sandra Matz, phó giáo sư kinh doanh tại Trường Kinh doanh Columbia New York, Meta làm vậy để tránh các bê bối liên quan đến thông tin sai lệch và kiểm duyệt chặt chẽ hơn.
Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Meta, khẳng định Threads sẽ “thân thiện” hơn hẳn Twitter – nền tảng vốn đã được nới lỏng kiểm duyệt kể từ khi Elon Musk mua lại với giá 44 tỷ USD. Meta hiện chưa sắp xếp bộ phận kiểm duyệt mới cho Threads mà chủ yếu chỉ dựa vào người dùng Instagram.
Theo Pinar Yildrim, phó giáo sư kinh tế và tiếp thị tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, “tin tức không thể giúp Meta kiếm tiền”. Phản đối quan điểm này, Jason Kint, giám đốc điều hành của Digital Content Next, một hiệp hội thương mại đại diện cho ngành tin tức kỹ thuật số cho biết: “Không có tin tức đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ qua những gì đang diễn ra trong thế giới thực. Về lâu dài, câu hỏi đặt ra là liệu nền tảng có bền vững hay không”.
Trước đó, Facebook cũng từng đưa ra quyết định hạn chế chia sẻ nội dung tin tức ở Australia sau khi bị yêu cầu chia sẻ lợi nhuận với các hãng truyền thông. “Dự luật về cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các đơn vị xuất bản, vốn sử dụng Facebook để chia sẻ những nội dung tin tức. Điều này buộc chúng tôi đối mặt với lựa chọn khó khăn”, đại diện Facebook khi đó cho biết.
Cụ thể, hồi năm 2020, một dự luật có tên Đàm phán truyền thông được chính phủ Australia đưa ra đã dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt giữa Google, Facebook và các hãng truyền thông báo chí Australia. Dự luật này yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm.
Đáp lại, Facebook cho biết lợi ích công ty thu được từ các cơ quan báo chí chia sẻ tin tức là rất ít và chỉ chiếm khoảng 4% những gì người dùng thấy trên Newsfeed. Phía tập đoàn cũng khẳng định, chỉ riêng trong năm 2020, đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ kết nối miễn phí có giá trị ước tính lên tới 407 triệu AUD tới các cơ quan báo chí.
Theo: FT, Bloomberg
Source link