AI có đúng có sai, các trường có nên cấm xài?

[ad_1]

Khi các hệ thống AI tiên tiến ngày càng trở nên phổ biến, sinh viên sẽ cần học cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh - Ảnh: RMIT

Khi các hệ thống AI tiên tiến ngày càng trở nên phổ biến, sinh viên sẽ cần học cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh – Ảnh: RMIT

Tiến sĩ Greeni Maheshwari – giảng viên cấp cao Đại học RMIT – nêu như vậy trong bài báo “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận và sử dụng ChatGPT của sinh viên trong giáo dục đại học: Nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam”, công bố tháng 12-2023 trên Springer.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập từ 108 người tham gia, bao gồm sinh viên đại học và sau đại học từ các trường đại học công lập và tư thục ở Việt Nam. Kết quả cho thấy cảm nhận về độ tin cậy và thông minh của ChatGPT không ảnh hưởng đến ý định sinh viên sử dụng nó cho việc học.

Nghiên cứu cũng ghi nhận sinh viên có xu hướng chấp nhận và sử dụng ChatGPT nhiều hơn khi nhận thấy nó thuận tiện và dễ dùng, cho dù thực tế ChatGPT có những hạn chế như thiếu khả năng cung cấp thông tin mới nhất.

Tiến sĩ Maheshwari cho rằng các tổ chức giáo dục có thể triển khai những chiến lược hiệu quả nhằm thu hút sinh viên sử dụng các công cụ AI một cách hợp lý.

“Trong bối cảnh còn nhiều lo ngại đạo đức xung quanh việc sử dụng AI trong giáo dục, các trường có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo sử dụng AI có trách nhiệm”, bà nhấn mạnh.

Theo đó, thay vì cấm sử dụng AI, trường nên đánh giá nghiêm túc và đón nhận những lợi ích giáo dục tiềm năng của công nghệ này, đồng thời duy trì tính liêm chính trong học thuật.

Tại Đại học RMIT, nhà trường hợp tác Microsoft phát triển công cụ AI dành riêng cho nội bộ mang tên Val (viết tắt của Virtual Assistant for Learning – Trợ lý ảo cho học tập). 

Trong xây dựng bài giảng, các giảng viên có thể sử dụng công cụ AI tạo sinh để thiết kế mạch truyện và phép loại suy, nhằm giải thích các khái niệm trong bài giảng, cũng như sáng tạo ra các ví dụ, tình huống và hoạt động cho lớp học.

Trong công tác khảo thí, đội ngũ giảng viên RMIT được gợi ý cân nhắc sử dụng một số công cụ AI để thiết kế bài kiểm tra đánh giá và tư vấn cho sinh viên, dựa trên khung hướng dẫn của trường…

Các trường nên ban hành hướng dẫn và quy tắc ứng xử rõ ràng cho cả người học và người dạy, đồng thời cân nhắc thấu đáo về việc tích hợp AI vào công tác khảo thí.

Tiến sĩ Maheshwari

Sử dụng AI có trách nhiệm

Từ nghiên cứu của mình, tiến sĩ Maheshwari đề nghị thiết kế các bài đánh giá theo hướng khuyến khích sử dụng AI có trách nhiệm và duy trì kỹ năng tư duy phản biện, cũng như tính sáng tạo của người học trong quá trình làm bài.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức liên tục có thể giúp người học và người dạy hiểu về các khía cạnh đạo đức của việc sử dụng AI trong giáo dục, thúc đẩy văn hóa sử dụng công nghệ có trách nhiệm.

“Nếu hành động dựa trên những cân nhắc về đạo đức này một cách có ý thức, các tổ chức giáo dục có thể khai thác lợi ích của AI song song với duy trì các tiêu chuẩn đạo đức”, bà đề xuất.

[ad_2]
Source link